Từ lâu nay, cứ vào 5h30 phút sáng mỗi ngày, bà Trần Thị Luận ở thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên lại mở chương trình truyền thanh của xã để nghe thông tin. Bà Luận chia sẻ: “Tôi được tiếp thu các thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; đặc biệt là được biết về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tiếp cận nguồn vốn vay... Qua đó, gia đình tôi mạnh dạn vốn vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò và gà. Từ hộ cận nghèo, nay gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống dần được cải thiện".
Trước đây, hệ thống truyền thanh của xã Xuân Viên sau thời gian dài sử dụng xuống cấp, không phát huy được hiệu quả. Đầu tháng 4/2024, huyện Nghi Xuân trang bị mới toàn bộ hệ thống truyền ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh).
Theo đó, hệ thống được đầu tư bao phủ âm thanh tại 7 thôn gồm 10 cụm với 30 loa, thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin và sản xuất chương trình phát thanh (phần cứng và phần mềm chuyên nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin).
Chị Lê Thị Hải - cán bộ truyền thanh xã Xuân Viên thông tin: “Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống loa truyền thanh thông minh của xã, ngoài tiếp sóng trực tiếp từ Đài truyền thanh huyện, tôi xây dựng chương trình để phát trên các cụm loa. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu chủ yếu tập trung vào các chủ trương, chính sách giảm nghèo, giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả để phát sóng. Qua đó, mọi người tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, kịp thời về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, xã Xuân Mỹ cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Nhờ thông tin kịp thời, người dân hiểu rõ các chính sách cũng như nắm được kỹ thuật sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ cho biết: "Xác định không để người dân bị “nghèo thông tin", xã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, đặc biệt liên quan đến công tác giảm nghèo tuyên truyền đến từng hộ dân trên địa bàn. Người dân vừa tham gia lao động, sản xuất, vừa có thể tiếp cận được thông tin".
Hệ thống truyền thanh cơ sở thực sự là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, 17 xã, thị trấn đã được huyện quan tâm đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh. Qua đó, phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, thông tin tuyên truyền đến người dân, góp phần làm tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Theo ông Phan Văn Lĩnh - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nghi Xuân, với lợi thế kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải kịp thời các thông tin về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, người dân hiểu mục tiêu, ý nghĩa của chính sách, tránh tình trạng thụ động, trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước.
Để thực hiện dự án “Truyền thông về giảm nghèo đa chiều” năm 2024 thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, huyện Nghi Xuân đã tổ chức 2 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực truyền thông cho hàng trăm cán bộ, công chức văn hoá - xã hội (phụ trách CNTT), phụ trách đài truyền thanh cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Qua đó, hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: