Những năm gần đây, sự mở rộng của dịch vụ ngân hàng số đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển loại hình thanh toán trực tuyến tại Hà Tĩnh. Người dân có thể lựa chọn các hình thức thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay cho việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như truyền thống.
Tại chợ TP Hà Tĩnh, gần như tất cả quầy hàng kinh doanh buôn bán đều đã cập nhật các hình thức thanh toán hiện đại, nhất là sử dụng mã QR của các ngân hàng thương mại hoặc Viettel Money…
Bà Đinh Thị Hoài Thanh - chủ cửa hàng quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi đã kết nối mã QR phục vụ thanh toán tại nhiều ngân hàng để thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch. Mỗi ngày tôi đón hàng chục lượt khách tới mua sắm, trong đó có khoảng 80% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán online. Hình thức thanh toán này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn giúp tôi thuận lợi hơn trong kinh doanh, dễ dàng quản lý nguồn thu hằng ngày và đảm bảo an toàn tài chính ở nơi đông người”.
Cùng với hoạt động thanh toán thông thường, hiện nay hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được triển khai rộng rãi trên địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Theo ghi nhận, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu - chi, tạo thuận lợi cho công tác quản lý tài chính của nhà trường và giao dịch cho các bậc phụ huynh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Can Lộc) chia sẻ: "Năm học 2024 - 2025, nhà trường có hơn 70 cán bộ, giáo viên, 30 nhóm lớp với 776 trẻ. Đến nay, 100% trẻ đã được cấp mã số định danh, các bậc phụ huynh thực hiện đóng nộp học phí, tiền ăn và các khoản thu khác đều qua tài khoản ngân hàng, rất thuận tiện. Cùng đó, nhà trường cũng tiến hành việc chi trả lương, đóng nộp bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên và thanh quyết toán các khoản qua hệ thống phần mềm (kết nối từ các ngân hàng như: Agribank, BIDV và VietinBank); qua đó đảm bảo công tác quản lý tài chính của nhà trường diễn ra minh bạch, hiệu quả".
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi có 3 con đang theo học ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các nhà trường đã ứng dụng phần mềm, cấp mã thanh toán cho từng học sinh nên việc đóng nộp học phí và các khoản thu khác, chúng tôi đều thực hiện trên phần mềm rất tiện lợi”.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, đầu tư kinh phí sáng tạo phần mềm, công nghệ theo hướng tiện ích, hiện đại nên các “ông lớn” đã nhanh chóng gia tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán online. Cụ thể, đến thời điểm này Vietcombank Hà Tĩnh đã có hơn 250.000 khách hàng thanh toán online qua app VCB Digibank, chiếm khoảng 72% tổng số khách hàng của chi nhánh; BIDV Hà Tĩnh đã có hơn 170.000 khách hàng thanh toán online qua app BIDV Smart Banking, chiếm khoảng 82% tổng số khách hàng của đơn vị…
Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: HDBank, ACB, SHB, SeABank, Techcombank, Bắc Á Bank… cũng đã chủ động nâng cấp công nghệ tạo sự tiện ích, nhanh chóng cho khách hàng trong giao dịch.
Bà Phan Thị Minh Thái – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng và kho quỹ, Bắc Á Bank Hà Tĩnh thông tin: Những năm qua, Bắc Á Bank đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán online với mục tiêu xây dựng ngân hàng số. Theo đó, đến nay đã có hơn 30 % khách hàng của chi nhánh thường xuyên sử dụng dịch vụ thanh toán hiện đại.
Số liệu từ ngành chuyên môn, tính đến ngày 31/8/2024, tỷ lệ khách hàng trên địa bàn Hà Tĩnh thanh toán tiền điện qua các ngân hàng đạt trên 85%, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ đạt khoảng 90%.
Ngoài ra, số tiền học sinh nộp học phí và các khoản thu qua tài khoản ngân hàng tại Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ trên 87% tổng số tiền thu; số tiền thu viện phí qua ngân hàng chiếm tỷ lệ trên 31% trong tổng số tiền thu viện phí.
Cùng đó, tỷ lệ số đối tượng an sinh xã hội chi trả qua tài khoản đạt trên 89% tổng số đối tượng được hưởng an sinh xã hội; tỷ lệ số đối tượng hưởng lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội chi trả qua tài khoản đạt gần 100% tổng số đối tượng hưởng.
Cùng với xu thế phát triển, những nỗ lực của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã góp phần hiệu quả vào việc đưa tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán online trên địa bàn không ngừng gia tăng. Qua đó góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái công dân số và tạo nền tảng giúp Hà Tĩnh triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: