Sáng 26/9, Trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) phối hợp với Sở Y tế Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động “Nghiên cứu tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan”.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng và Sở Y tế Hà Tĩnh đã giới thiệu chung về nghiên cứu tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan (RESHAPE); tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo kết quả nghiên cứu thì biến đổi khí hậu, thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng. 58,1% (218/375) các bệnh tật của con người trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu như: thiếu nước ăn uống, sinh hoạt, canh tác; gia tăng nhiệt độ; gia tăng ô nhiễm không khí; thiên tai, thời tiết cực đoan. Các hiện tượng này đã, đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người như: thiếu dinh dưỡng; sức khỏe tâm thần; các bệnh truyền qua véctơ; các bệnh do ô nhiễm không khí; các bệnh liên quan tới nước; chấn thương và các vấn đề sức khoẻ khác…từ đó tạo gánh nặng lên các cơ sở y tế.
Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương bị ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nhất là tại 2 địa phương Hương Sơn và Hương Khê. Chính vì vậy, trong hội thảo này, nhóm nghiên cứu đã mô tả và tiến hành các bước nghiên cứu sâu những tác động biến đổi khí hậu lên hệ thống y tế và sức khỏe con người tại huyện Hương Khê và Hương Sơn. Qua đó, đề ra các giải pháp để tăng cường khả năng chống chịu của các y tế cơ sở y tế tại 2 địa phương này và mở rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Để tạo thuận lợi cho nhóm nghiên cứu, tại hội thảo lãnh, đạo Sở Y tế báo cáo một cách tổng quan về ảnh hưởng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan lên các cơ sở y tế tại Hà Tĩnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trình bày tổng quan về công tác phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích cho người dân trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo huyện Hương Sơn và Hương Khê báo cáo tổng quan về ảnh hưởng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan tới hoạt động của các cơ sở y tế và sức khỏe con người ở trên 2 địa bàn.
Hội thảo cũng đã thảo luận kế hoạch triển khai nghiên cứu RESHAPE; kế hoạch triển khai nghiên cứu mô tả thực trạng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra gần đây tại huyện Hương Sơn và Hương Khê; nghiên cứu mô tả hệ thống y tế cơ sở và khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan tại huyện Hương Sơn và huyện Hương Khê; bộ công cụ nghiên cứu, điều tra ban đầu liên quan đến về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật chất tại các cơ sở y tế để ứng phó, chống chịu với thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Dự kiến, việc triển khai nghiên cứu tăng cường khả năng chống chịu của y tế cơ sở trong thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Hà Tĩnh sẽ kéo dài từ 2024 đến 2027.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: