Trên cánh đồng Sim của thôn Trung Đông, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên), 4 chiếc máy xúc đang đào đắp bờ vùng bờ thửa, nạo vét hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Cờ Tổ quốc được cắm khắp cánh đồng, tạo khí thế ra quân đầy náo nhiệt, sôi nổi. Chính quyền địa phương quyết tâm mỗi hộ dân canh tác trên 1 thửa ruộng hoặc nhiều hộ dân cùng canh tác trên 1 thửa ruộng nhằm thuận lợi cơ giới hóa, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.
Ông Đặng Quốc Hữu – Trưởng thôn Trung Đông, xã Nam Phúc Thăng chia sẻ: “Toàn thôn có 70 ha diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, ruộng đồng vẫn còn manh mún, mỗi thửa chỉ đạt từ 400 – 1.500 m2. Người dân canh tác ở nhiều thửa trên cùng một cánh đồng nên không thuận lợi cho sản xuất. Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần 3, người dân đồng tình cao nên ngay sau khi gặt xong lúa, chúng tôi đã triển khai ở 100% diện tích. Sau khi chuyển đổi, dự kiến, diện tích sản xuất của địa phương sẽ tăng thêm từ 10 - 15 ha nhờ phá bờ thửa nhỏ và cất bốc 81 ngôi mộ vô chủ trên cánh đồng”.
Không riêng thôn Trung Đông, thời điểm này, các thôn: Tây Nguyên, Yên Thành, Nam Yên của xã Nam Phúc Thăng cũng đều đồng loạt ra quân triển khai chuyển đổi ruộng đất lần 3. Năm 2024, toàn xã Nam Phúc Thăng sẽ dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất với tổng diện tích 200 ha; nâng diện tích chuyển đổi ruộng đất lên 400 ha (đạt 38% tổng diện tích nông nghiệp toàn xã).
Ông Hoàng Kim Túy – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng cho biết: “Đây là một cuộc cách mạng nhằm khắc phục tình trạng ruộng manh mún nhỏ lẻ, tạo ra những thửa ruộng lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung, có hệ thống tưới tiêu hợp lý, tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và giá trị trên đơn vị diện tích. Để khuyến khích các thôn triển khai, ngân sách cấp trên hỗ trợ 6 triệu đồng/ha với những địa bàn triển khai quy mô từ trên 50 ha – 100 ha. Ngoài ra, xã cũng trích ngân sách hỗ trợ kinh phí liên quan. Sau khi hoàn thành chuyển đổi, người dân sẽ được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Ngoài xã Nam Phúc Thăng, xã Cẩm Minh cũng đang ồ ạt ra quân phá bờ thửa để xây dựng những cánh đồng mẫu lớn ở thôn 1 và thôn 2. Với kế hoạch dồn điền đổi thửa trên diện tích 90 ha, địa phương quyết tâm đưa 1.076 ô thửa nhỏ về còn 240 ô thửa lớn. Đề hoàn thành kế hoạch đề ra, xã Cẩm Minh đã tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân, ban hành cơ chế hỗ trợ chuyển đổi.
Ông Trần Văn Khiên – Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh cho biết: “Đây là năm đầu tiên xã triển khai chuyển đổi ruộng đất lần 3. Ngay trong ngày đầu ra quân, chúng tôi đã huy động hàng chục máy cày và máy san lấp cùng hàng chục hội viên nông dân tham gia chỉnh sửa đường trục chính nội đồng, cày xới, phá bỏ bờ thửa, vét mương nội đồng... Sau khi hoàn thành, các tuyến đường nội đồng sẽ được mở rộng từ 5m lên 10m, tạo thuận lợi cho máy móc cơ giới hóa vào sản xuất. Đến thời điểm này, việc quy hoạch hệ thống giao thông, kênh tưới tiêu cơ bản đã đạt hơn 50% khối lượng công việc. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ công tác dồn điền đổi thửa".
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, năm 2024, nhiều địa phương trên toàn huyện triển khai “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất lần 3 sớm hơn so với mọi năm. Ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, các địa phương đã huy động lực lượng ra quân với phương châm “sớm một ngày, hay một điều”. Toàn huyện dự kiến triển khai chuyển đổi ruộng đất lần 3 ở 6 xã: Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng, Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Yên Hòa, với tổng diện tích 465,5 ha.
Lũy kế đến thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành phá ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn với diện tích hơn 3.000 ha; chuyển đổi ruộng đất lần 3 với diện tích gần 1.000 ha, trong đó cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt gần 30%.
Những cánh đồng đã chuyển đổi ruộng đất được địa phương và bà con nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng bộ về cơ giới hóa để triển khai vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, lúa hữu cơ... cho năng suất và chất lượng cao; tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị canh tác. Từ hiệu quả trên những cánh đồng đã chuyển đổi ruộng đất, người dân càng yên tâm tin tưởng và đồng thuận triển khai chủ trương.
Đặc biệt, sau khi tỉnh kịp thời bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ nên công tác chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn được triển khai thuận lợi hơn. Toàn huyện phấn đấu sẽ chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2022 - 2025 đạt trên 30% tổng diện tích đất trồng lúa.
Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: