Không chỉ định vị thương hiệu nước mắm Phú Sáng trên thị trường bằng “tấm thẻ bài” OCOP 3 sao, nữ giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Hà Tĩnh) còn liên kết xuất khẩu hải sản, bao tiêu nguồn nguyên liệu vững chắc cho ngư dân vùng cửa biển.
Bà Lê Thị Phượng (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) đã gắn bó gần cả đời người với nghề truyền thống chế biến thủy hải sản bao đời ông cha để lại. Gìn giữ công thức muối gia truyền với hương vị thơm ngon, tinh khiết, song nước mắm của bà Phượng vẫn chỉ quanh quẩn ở “lũy tre làng”. Trở về nước sau nhiều năm học tập, làm việc tại Đài Loan, Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Sáng (SN 1992) – con gái bà Lê Thị Phượng quyết tâm “đặt tên” cho món quà mà người mẹ tảo tần đã chăm chút: "Nước mắm Phú Sáng".
“Thương hiệu nước mắm Phú Sáng của HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (gọi tắt là HTX Phú Sáng) ra đời từ sự trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ. Tôi có cơ hội được đi qua nhiều vùng đất, được nếm đủ thức chấm, song không có loại nước mắm nào thơm ngon, đậm đà như nước mắm của bà, của mẹ chế biến ở quê nhà. Bởi vậy mà nhiều năm xa xứ, có cơ hội phát triển sự nghiệp song tôi vẫn quyết định trở về quê hương để giữ nghề truyền thống” – chị Sáng trải lòng.
Thực hiện hoài bão lớn, huy động sức mạnh tập thể, tháng 3/2021, chị Sáng cùng 7 thành viên thành lập HTX Phú Sáng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến, phân phối thủy hải sản và chị được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX. Với nguồn vốn 15 tỷ đồng đóng góp từ các thành viên, người đứng đầu HTX đã hoạch định kế hoạch sản xuất – kinh doanh trên cơ sở mở rộng quy mô chế biến với đầu tư hạ tầng hiện đại.
Chị Sáng chia sẻ: “HTX đóng chân ở vùng cửa biển, có nguồn nguyên liệu tươi ngon từ biển là “điểm cộng” trong hành trình chế biến nước mắm. Chúng tôi quyết định giữ giọt nước mắm gia truyền với hương vị thơm ngon bằng việc duy trì phương pháp muối tự nhiên trong vại sành, sứ. Với phương pháp muối truyền thống, chúng tôi chấp nhận thời gian muối lâu hơn để tạo ra được hương vị đặc trưng, không thể trộn lẫn. Đây cũng là điều mà người tiêu dùng ưa chuộng”.
HTX Phú Sáng thành lập vào đúng thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước với chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cùng quyết tâm khẳng định thương hiệu của các thành viên, nước mắm Phú Sáng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao chỉ sau 1 năm HTX ra đời. Quá trình hoạt động, HTX chú trọng tạo sản phẩm đồng nhất với số lượng đủ lớn và không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm kích thích thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin sản phẩm, chính xác, công khai qua mã QR để tạo sự tin cậy cho thị trường.
Được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao là “tấm thẻ bài” để nước mắm Phú Sáng mở rộng thị trường tiêu thụ. Phú Sáng đã trở thành thương hiệu nước mắm quen thuộc của người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Vinh (Nghệ An)... Năm 2023, HTX sản xuất hơn 70.000 lít nước mắm các loại và đặc biệt, người đứng đầu HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, đưa nước mắm Phú Sáng sang thị trường Úc với số lượng 15.000 lít vào đầu năm 2024.
“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, HTX xác định phải nâng cao chất lượng, phấn đấu nâng hạng sản phẩm nước mắm Phú Sáng OCOP từ 3 sao lên 4 sao. Theo đó, đơn vị tuân thủ việc lựa chọn nguồn nguyên liệu tươi ngon theo công thức muối gia truyền và đầu tư công nghệ chiết rót tự động với kinh phí 750 triệu đồng...
Hiện nay, HTX đang phân phối, tiêu thụ qua nhiều kênh như: mở các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng bá, bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, tham gia hội chợ thương mại… Năm 2023, doanh thu của HTX đạt gần 18,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2,9 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 8 tỷ đồng.
HTX Phú Sáng hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập 6 – 8 triệu đồng/người/tháng và 100% lao động được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, vào mùa cao điểm sản xuất, HTX tạo việc làm thời vụ cho hơn 250 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 350.000 -500.000 đồng/người/ngày.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sẽ tạo sự phát triển bền vững. Với suy nghĩ đó, nữ giám đốc trẻ Nguyễn Thị Sáng đã liên kết đầu tư tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt và bao tiêu, thu mua hải sản cho 64 chủ tàu thuyền tại thị trấn Thiên Cầm và các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên)...
Ông Lê Văn Lĩnh – chủ tàu cá ở thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) cho biết: “Không chỉ bao tiêu sản phẩm mà người đứng đầu HTX Phú Sáng đã cho gia đình tôi vay trả chậm 400 triệu đồng với lãi suất 0% để đầu tư đóng mới tàu thuyền. Có tàu thuyền, ngư cụ hiện đại, ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt, cung cấp nguồn nguyên liệu tươi ngon phục vụ dây chuyền sản xuất cho HTX. Chuỗi liên kết được duy trì nhịp nhàng, ổn định trên cơ sở 2 bên đều có lợi”.
Giám đốc HTX Phú Sáng đã có quãng thời gian khá dài học tập, làm việc ở Đài Loan, Trung Quốc. Quá trình này, chị đã tìm hiểu khá kỹ về văn hóa, kinh tế tại đất nước bạn và nhận thấy một số nét tương đồng. “Năm 2015, hồi còn du học sinh, tôi đã mang hải sản Hà Tĩnh sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để bán. Sau này về nước, tôi vẫn giữ mối liên kết với các đầu mối tại Trung Quốc để nhập tép biển, cá cơm làm nguyên liệu sản xuất ruốc kem. Năm 2023, HTX Phú Sáng đã xuất sang Trung Quốc hơn 3.000 tấn tép biển và cá cơm và hiện tại cũng đang triển khai các đơn hàng theo hợp đồng thỏa thuận” – chị Sáng cho biết.
Tuổi đời còn trẻ nhưng người đứng đầu HTX Phú Sáng đã vạch rõ đường hướng phát triển sản xuất – kinh doanh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng cửa biển. HTX không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu mà còn hướng tới xây dựng nhà máy sản xuất ruốc kem với mục tiêu nâng cao giá trị thủy hải sản Hà Tĩnh.
Nữ giám đốc HTX cho hay: “Ruốc kem là sản phẩm được ưu chuộng tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Qua lịch sử giao dịch và những lần xúc tiến thương mại gần đây, tôi đã liên hệ với các đầu mối, doanh nghiệp tại Trung Quốc và họ hứa bao tiêu sản phẩm ruốc kem nếu HTX sản xuất được. Ruốc kem được làm từ tép biển và nguồn nguyên liệu này tại Hà Tĩnh rất dồi dào, tươi ngon. Bởi vậy, chúng tôi đang xin chủ trương thuê đất với diện tích 1,5 ha tại xã Cẩm Lĩnh (dọc đường quốc lộ ven biển) để xây dựng nhà máy chế biến ruốc kem với kinh phí đầu tư dự kiến 35 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp, hi vọng đề nghị của HTX sẽ sớm được chấp thuận để chúng tôi từng bước hiện thực hóa hành trình nâng cao giá trị thủy hải sản Hà Tĩnh”.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Người đứng đầu HTX Phú Sáng trẻ, có năng lực, dám nghĩ dám làm, vận hành theo mô hình HTX kiểu mới, nỗ lực xây dựng mối liên kết giữa bao tiêu, sản xuất và phân phối sản phẩm. Ngoài chế biến thủy hải sản, thương mại cũng là lợi thế của HTX với việc thu mua hàng nghìn tấn thuỷ hải sản/năm phân phối, tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Dưới sự chèo lái của người đứng đầu, hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX Phú Sáng ngày càng lớn mạnh, doanh thu và lợi nhuận tăng lên, đóng nộp ngân sách đúng quy định. HTX tích cực tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh - xã hội trên địa bàn.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đơn vị đã được Liên minh HTX Viêt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện Cẩm Xuyên tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, nhân tháng hành động vì HTX năm 2024, HTX Phú Sáng vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam tặng giải thưởng Ngôi sao HTX “CoopStar Awards” trong tốp 100 HTX toàn quốc”.
BÀI, ẢNH: THU PHƯƠNG - NGỌC LOAN
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: