Những cán bộ không được phép nghỉ khi sắp xếp bộ máy

Chủ nhật - 09/02/2025 07:49 32 0

Các địa phương khi sắp xếp bộ máy, không phải ai xin nghỉ cũng được nghỉ và ngược lại, sẽ có những người buộc phải nghỉ dù không muốn.

Những cán bộ không được phép nghỉ khi sắp xếp bộ máy
Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói về sắp xếp bộ máy tại hội nghị giao ban đầu năm. Ảnh: Công thông tin Bình Định

“Sau khi sắp xếp phải giữ được những người có năng lực, tâm huyết ở lại". Đó là yêu cầu của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định liên quan đến việc sắp xếp bộ máy trong hội nghị giao ban đầu năm.

Ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu phải tránh tình trạng “những người có tâm huyết, năng lực, có trách nhiệm thấy không ổn sẽ xin nghỉ. Còn lại những người không đi đâu được thì ở lại”.

Đây là quan điểm rất đúng đắn. Và quan điểm này cũng được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh - địa phương gây xôn xao dư luận với việc một Sở có đến gần 100 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi - quán triệt.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh có nói một ý rất hay là việc hàng trăm người xin nghỉ hưu trước tuổi là nguyện vọng cá nhân, còn được chấp nhận cho nghỉ hay không còn phải họp bàn, cân nhắc, xem xét theo quy trình.

Ngược lại, những người có thể không chủ động xin nghỉ nhưng nếu năng lực kém, làm việc không hiệu quả có thể bị xem xét thực hiện tinh gọn, cho nghỉ hưu trước tuổi.

Điều này có nghĩa là không phải ai muốn nghỉ cũng được đồng ý. Bởi Hà Tĩnh đang phân cán bộ thành 3 nhóm đối tượng gồm: Nhóm yêu cầu phải nghỉ, nhóm có nguyện vọng nghỉ thì khuyến khích cho nghỉ; nhóm không được phép nghỉ.

Những cán bộ “không được phép nghỉ” này, theo phân tích của lãnh đạo ngành nội vụ Hà Tĩnh, chính là nhóm cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm, tâm huyết và đang nắm giữ những vị trí then chốt.

Thực tế ở nhiều cơ quan công quyền, cứ mỗi lần sắp xếp lại, luôn có những cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy bất an - là người thâm niên và am hiểu nghiệp vụ.

Sự “chông chênh” đó một phần bắt nguồn từ tâm lý lo ngại quyền lợi không được bảo đảm, hoặc e sợ bị xáo trộn vị trí khiến con đường thăng tiến bấp bênh.

Nếu không có chính sách hỗ trợ cùng cam kết rõ ràng từ phía tổ chức, họ có thể chọn cách rời khỏi hệ thống, gây tổn thất nhân sự chất lượng cao.

Chính vì vậy, như yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cần phải giữ chân cho được người giỏi bằng cách tạo sự yên tâm, bảo đảm đãi ngộ, lộ trình công danh minh bạch và khả thi.

Dĩ nhiên, những ai “không được phép nghỉ” cũng cần phải có một quy trình đánh giá cán bộ công bằng, thực chất, minh bạch, thống nhất trong tiêu chí và quá trình ra quyết định.

Nếu đánh giá dựa trên cảm tính, thiếu khách quan, sẽ dễ làm nảy sinh mâu thuẫn hoặc tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nội bộ. Một quy trình chặt chẽ, rõ ràng sẽ tạo dựng niềm tin, giúp cán bộ vững tâm thực hiện, đồng thời khuyến khích họ nỗ lực gắn bó hơn với công việc.

Tinh giảm mà giữ được những hạt nhân giỏi, thực sự nắm chắc nghiệp vụ, có tầm nhìn chiến lược vẫn “ở lại”, thì bộ máy mới vững vàng và hoạt động hiệu quả.

Ngược lại, nếu để rơi rụng hết cán bộ tinh hoa, để "người nhà" lấn át người tài, bộ máy sau tái cơ cấu có thể gọn nhưng khó tinh, sẽ rất khó cứu vãn.

Nguồn tin: Theo Báo Lao Động:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay14,410
  • Tháng hiện tại171,070
  • Tổng lượt truy cập1,942,422
Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Cổng TTĐT Sở LĐTBXH Hà Tĩnh
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Cổng TTĐT Bộ Lao động -TB&XH
Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh
Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Dịch vụ công trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây