Một góc Hà Nội sau khi sáp nhập Hà Tây phát triển kinh tế bền vững - Ảnh: NAM TRẦN
Là nhà nghiên cứu lịch sử, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại câu chuyện cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mạng (vào những năm 1831 - 1832).
Theo đó để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, nhà vua đã thực hiện một công cuộc cải tổ cực kỳ rộng lớn trong toàn quốc. Trong đó cho đổi toàn bộ đơn vị hành chính doanh, trấn thống nhất gọi là tỉnh.
Cùng với đó tính toán cẩn thận về quy mô diện tích nên chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (kinh đô).
Thời kỳ đó Nam Kỳ (Nam Bộ hiện nay) có 6 tỉnh còn gọi là "Nam kỳ lục tỉnh" gồm: Gia Định (Phiên An), Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và Hà Tiên.
Bắc Kỳ thời vua Minh Mạng có 13 tỉnh gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình.
Trung Kỳ gồm: 1 phủ Thừa Thiên đặt làm kinh đô và 11 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Tiếp đó trong giai đoạn những năm 1960, ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ nhận thấy một số tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít quá và dựa trên các điều kiện kinh tế - xã hội lúc đó nên đã tiến hành sáp nhập một tỉnh như Hải Hưng (Hưng Yên sáp nhập Hải Dương năm 1968), Bắc Thái (Thái Nguyên sáp nhập Bắc Kạn năm 1965), Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc sáp nhập Phú Thọ năm 1968)...
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975 - 1976 cũng tiếp tục sáp nhập nhiều địa phương và cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành (năm 1976), trong đó có 35 tỉnh và 3 TP trực thuộc trung ương. Khi đó Bắc Bộ có 13 tỉnh và 2 TP, Nam Bộ có 12 tỉnh và 1 TP, Trung Bộ có 10 tỉnh.
Khi bước vào Đổi mới từ 1986 đến những năm 1990, do xác định muốn các tỉnh gọn hơn, có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn và nhiều địa phương muốn tái lập tỉnh cũ... nên nhiều tỉnh, thành được chia tách.
Đến năm 2004 cả nước có 64 tỉnh, thành, và từ năm 2008 sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì cả nước còn 63 tỉnh, thành như hiện nay.
* Từ việc nước ta từng có 31 đơn vị hành chính dưới thời vua Minh Mạng hay 38 tỉnh sau khi thống nhất năm 1976, theo ông sẽ mang lại bài học và cơ sở thế nào cho quá trình nghiên cứu sáp nhập tỉnh hiện nay?
- Chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh là cần thiết, phù hợp với xu thế tất yếu, không thể khác được.
Việc này sẽ giúp tạo điều kiện, dư địa, nguồn lực mới cho các tỉnh phát triển. Từ đó tạo thế và lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - vươn mình phát triển.
Với cải cách của vua Minh Mạng như đã nêu ở trên được đánh giá là rất tích cực, tiến bộ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Đặc biệt đã xây dựng, phân định các tỉnh rất gọn chỉ với 30 tỉnh và 1 phủ, so với hiện nay diện tích lúc đó có phần lớn hơn và các điều kiện hạ tầng, cơ sở, dân số khó khăn hơn.
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ: