Đây là vụ mùa thứ 2 người dân thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Ông Trần Văn Thỏa ở thôn Ngụ Quế chia sẻ: “Vụ đầu tiên là vụ xuân 2024, có hơi vất vả đôi chút vì chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, từ giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đến vụ thứ 2 đã bắt đầu quen dần. Vụ hè thu năm nay chúng tôi sản xuất lúa DT39, năng suất 3 tạ/sào, cao hơn 0,3 tạ/sào so với vụ đầu.
Lúa sau khi phơi khô được Tập đoàn Quế Lâm thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với lúa sản xuất theo phương thức truyền thống. Chất lượng gạo thơm ngon nên tôi giữ lại một ít để gia đình và người thân sử dụng”.
Tính ra, so với vụ xuân năm 2023, vụ này, gia đình ông Thỏa đã giảm được 33% chi phí phân bón, giống. Việc giảm phân bón là kết quả của quá trình cải tạo đất ở vụ sản xuất trước.
Với 2 sào lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình ông Thỏa thu khoảng 6 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận gần 4 triệu đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Gia đình ông Trần Văn Thảo dự định sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên 5 sào trong vụ xuân 2025.
Toàn xã Cẩm Vịnh hiện có 26 hộ dân sản xuất hơn 2 ha lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống DT39. Tham gia mô hình, người dân được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chuyển giao về giống, kỹ thuật; chính quyền địa phương hỗ trợ 50% chi phí thuê máy cấy và lúa giống. Sau 2 vụ triển khai, điều bà con phấn khởi nhất là môi trường sản xuất an toàn, sử dụng hoàn toàn phân bón và các chế phẩm sinh học, hữu cơ; đất đai và môi trường được cải tạo; chi phí sản xuất thấp và được doanh nghiệp thu mua cao.
Ông Bùi Đức Hồng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho hay: "Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, cũng như chủ trương của tỉnh, huyện. Triển khai mô hình liên kết lúa hữu cơ DT 39 của Tập đoàn Quế Lâm có nhiều ưu điểm vượt trội, giống lúa thuần, có năng suất tốt, tính hàng hóa cao. Đặc biệt, khi kết hợp với phương pháp cấy máy thì mang lại hiệu quả vượt trội, tỷ lệ sống cao, bén rễ nhanh, thích ứng rộng. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 ha diện tích liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để nhân rộng mô hình”.
Vụ hè thu 2024 cũng ghi nhận sự thành công của giống lúa DT39 trên đồng đất xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc). Toàn xã có 26 hộ dân tham gia sản xuất 5 ha lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống DT39 liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Theo đánh giá, năng suất lúa DT39 tại mô hình cho năng suất đạt 2,7 tạ/sào.
Chị Nguyễn Thị Hiếu – Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Vĩnh Yên, cán bộ phụ trách mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở thôn Vân Cửu cho biết: “Đây là vụ thứ 3 địa phương hợp tác với Quế Lâm để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Quá trình hợp tác với doanh nghiệp, bà con nông dân được hướng dẫn sát sao quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế thấp nhất phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tốt; tôm, cua, cá… xuất hiện nhiều trở lại trong khu vực thực hiện mô hình. Năng suất tuy tương đương với các giống lúa truyền thống khác nhưng sau thu hoạch, lúa được doanh nghiệp thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn các giống lúa hàng hóa trên thị trường”.
Theo thống kê của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã liên kết với 6 huyện: Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích hàng trăm ha; trong đó có hơn 40 ha doanh nghiệp bao tiêu từ sản xuất đến tiêu thụ cho người dân.
Ông Ngô Ngọc Hoan – Giám đốc phụ trách chi nhánh Hà Tĩnh của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì sản xuất lúa hữu cơ là hướng đi tất yếu, vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái. Bởi vậy, mục tiêu của Tập đoàn Quế Lâm là liên kết với bà con nông dân để nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình ở các huyện chưa liên kết như: Hương Sơn, Nghi Xuân và nhân rộng ở các huyện đã triển khai”.
Sau những vụ lúa canh tác theo hướng hữu cơ, đồng ruộng trở nên màu mỡ, là môi trường sống lý tưởng để các loài sinh vật sinh sôi, nảy nở. Giá trị mà lúa hữu cơ DT39 mang lại đáp ứng trọn vẹn những mong mỏi của bà con nông dân, đó là: năng suất cao, giá bán cao, ít sâu bệnh và chất lượng gạo thơm ngon.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: