Chủ động thích ứng với già hóa dân số

Thứ bảy - 28/09/2024 04:51 6 0

(Baohatinh.vn) - Trước "bài toán" già hóa dân số, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó và giải quyết những khó khăn do thực trạng này gây nên.

Tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh

Năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đây là giai đoạn mà tình trạng dân số có tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm từ 7% tổng dân số trở lên hoặc khi tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Theo Tổng cục Thống kê, tổng dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, trong đó, số người cao tuổi (NCT) là 7,45 triệu người (chiếm 8,68% tổng dân số); đến 1/4/2019 là 96,21 triệu người, số NCT là 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Như vậy, trong giai đoạn 2009-2019, khi tổng dân số tăng 1,14%/năm thì số NCT đã tăng tới 4,35%/năm. Đến năm 2023, khi dân số của Việt Nam là 100,3 triệu người, thì NCT là hơn 13,9 triệu (chiếm gần 13,9% tổng dân số). Điều đó cho thấy tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh.

Hội thảo quốc tế “Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần NCT trong ASEAN” do Bộ Y tế tổ chức (tháng 11/2020) cũng đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển phải đến hơn một thế kỷ hoặc nhiều thập kỷ có số dân trên 65 tuổi từ 7% tăng lên 14% như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Hoa Kỳ (69 năm), Canada (65 năm), Vương quốc Anh (45 năm)… thì quá trình này ở Việt Nam là 18 năm.

z5854417163788_2dc930efb25f91dce97ebbb6107879d8.jpg
Tháp dân số Hà Tĩnh năm 2022 và 2023 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Tĩnh).

Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài “quỹ đạo” già hóa dân số. Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh, năm 2019, toàn tỉnh có số dân là 1,28 triệu người, trong đó, số người trên 60 tuổi đạt hơn 204.000 người (chiếm 15,9% dân số); đến nay, khi dân số Hà Tĩnh đạt hơn 1,32 triệu người thì số người trên 60 tuổi đã hơn 242.000 (chiếm 18,6% dân số). Theo đó, Hà Tĩnh đã bước sâu vào giai đoạn già hóa dân số. Bên cạnh đó, năm 2023, chỉ số già hóa ở Hà Tĩnh đạt 61,75% (tức là cứ có 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có khoảng 63 người già từ 60 tuổi trở lên). Chỉ số này có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, từ 59,98% vào năm 2019 tăng lên 61,75% năm 2023.

Đặc biệt, tại khu vực thành thị, tình trạng già hóa dân số rõ nét khi tỷ lệ NCT ngày càng cao. Chị Nguyễn Thị Thương - Trưởng phòng Dân số truyền thông (Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh) cho biết: “Năm 2023, dân số của TP Hà Tĩnh đạt hơn 109,3 nghìn người, trong đó, NCT trên 60 tuổi hơn 19,4 nghìn người (chiếm 17,7% dân số). Tỷ lệ NCT của TP Hà Tĩnh hiện đã cao hơn bình quân chung của tỉnh và của cả nước. Điều này đã khiến địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện công tác dân số và phát triển KT-XH”.

IMG_3447.JPG
Các thành viên của CLB Dưỡng sinh phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) thường xuyên luyện tập, nâng cao sức khỏe.

Sở dĩ, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh bởi đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng cao. Theo kết quả điều tra biến động dân số, tuổi thọ trung bình năm 2023 của Hà Tĩnh là 73,36 tuổi, tăng 0,55 tuổi so với năm 2022. Ngoài ra, những biến động dân số di cư cơ học cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng già hóa dân số tại Hà Tĩnh. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn người trẻ đi làm ăn xa, ở quê nhà phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt, tỷ lệ sinh tại Hà Tĩnh đang có chiều hướng giảm bởi giới trẻ ngày nay có xu hướng kết hôn muộn hoặc sinh con muộn để tập trung phát triển kinh tế… Những yếu tố trên đã khiến tốc độ già hóa dân số ở Hà Tĩnh ngày càng nhanh, rút ngắn thời kỳ “dân số vàng”.

Nhiều thách thức cần vượt qua

Thực tế cho thấy, thời gian chuyển từ cơ cấu “dân số vàng” sang giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng diễn ra quá nhanh. Thực trạng này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với mọi mặt của đời sống KT-XH, đặc biệt là các chi phí an sinh xã hội và nhân lực lao động. Theo đó, với dân số ngày càng già hóa và lượng lao động trẻ giảm sút, sự thiếu hụt lao động trở thành vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, các ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

ảnh 2 (7).JPG
Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà tổ chức khám sức khỏe năm 2024 cho người cao tuổi tại xã Hộ Độ.

Ngoài ra, già hóa dân số đã và đang đặt ra nhiều áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội. Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội của tỉnh nhà còn hạn chế nên cơ sở vật chất phục vụ cho NCT còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, tuy tuổi thọ của NCT ngày càng tăng, song thời gian sống khỏe lại thấp và tình trạng nhiều bệnh tật ở người già cũng là một thách thức lớn. Thế nên, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, kéo chậm thời gian già hóa dân số vẫn đang là “bài toán khó”.

Không chỉ vậy, già hóa dân số cũng kéo theo hệ lụy khi xã hội ngày càng có nhiều người già neo đơn, không nơi nương tựa… Tại nhiều làng quê ở Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp các hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu là NCT. Phần lớn trong số họ, kinh tế khá khó khăn, không sống cùng con cái, không có người chăm sóc khi mắc các bệnh tuổi già…

6Z0A0072.JPG
Đoàn văn nghệ người cao tuổi Hà Tĩnh tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi khu vực phía Bắc năm 2023.

Trước “bài toán khó” về tốc độ già hóa dân số, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng trên. Năm 2012, tỉnh đã triển khai mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng tại huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Mô hình này đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đem lại nhiều lợi ích cho việc nâng cao sức khỏe NCT.

Đến nay, mô hình đã được nâng cấp lên thành “Đề án chăm sóc sức khỏe NCT” và được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh với 100% NCT được chăm sóc sức khỏe định kỳ. Theo Kế hoạch số 86/2021/KH-UBND về triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, UBND tỉnh đề ra một số mục tiêu, giải pháp như: NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, được lập hồ sơ sức khỏe... Xây dựng các mô hình: Trung tâm dưỡng lão, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho NCT; xã, phường, thị trấn thân thiện với NCT.

z5872947724658_1e1a37b5f0ff8ee0d71f39f389120109.jpg
Người dân Hà Tĩnh cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Ông Phan Trường Sang - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: “Với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030”, “Đề án chăm sóc sức khỏe NCT” đã đem lại nhiều lợi ích cho NCT trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động như khám sức khỏe định kỳ, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, các cuộc thi cho NCT… đã được tổ chức giúp họ có đời sống tinh thần phong phú, lạc quan. Ngoài ra, ngành dân số cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về già hóa dân số để nâng cao nhận thức của xã hội, giúp người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già”.

Bên cạnh đó, để ứng phó với thách thức từ già hóa dân số, việc đầu tư cho y tế, giáo dục, việc làm cho thanh niên… cũng đóng vai trò quan trọng nhằm giải quyết các nhu cầu của thế hệ NCT trong tương lai. Đặc biệt, để thích ứng với già hóa dân số, giải pháp quan trọng nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe NCT. Đồng thời, thực hiện mức sinh hợp lý, kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển của Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung.

Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay4,119
  • Tháng hiện tại25,063
  • Tổng lượt truy cập959,278
Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Cổng TTĐT Sở LĐTBXH Hà Tĩnh
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Cổng TTĐT Bộ Lao động -TB&XH
Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh
Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Dịch vụ công trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây