Ngày 20/5, Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh để bố trí lãnh đạo, quản lý cấp xã sau sáp nhập.
Người được xem xét, bố trí chức danh lãnh đạo xã sau sáp nhập phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật.
Theo quy định tạm thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguồn cán bộ dự kiến để xem xét, bố trí chức danh Bí thư Đảng ủy xã mới gồm: Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tỉnh ủy viên; cấp trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương.
Các Phó Bí thư Huyện ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện; cấp phó các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương dự kiến được xem xét, bố trí các chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã mới.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233km2, quy mô dân số hơn 3,3 triệu người.
Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh mới dự kiến được đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới dự kiến có 124 xã, phường, đặc khu.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: