Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho 4 người dân trú tại thôn 10, xã Hà Linh, huyện Hương Khê bị ngộ độc nghi do ăn nấm không rõ nguồn gốc.
Theo anh Đinh Quốc Hải – thôn 10, xã Hà Linh, Hương Khê, tối 12/9, gia đình anh mời 3 người cùng thôn đến nhà ăn cơm. Trong bữa ăn có món nấm xào, vợ chồng anh lấy trong quá trình đi rừng. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 5 người đều bị nôn, sau đó đau bụng và đi ngoài liên tục. Biết là bị ngộ độc, vợ chồng anh cùng 2 người đã được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu, điều trị; 1 người điều trị tại nhà.
Tại bệnh viện, các bệnh nhân đã được cấp cứu, điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm. Đến sáng nay (13/9) cả 4 bệnh nhân đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện, như: đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài nhiều lần; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở… Có một số loại nấm có thể gây ngộ độc rất nặng như: gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.
Vì vậy, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Người dân cũng không nên ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với các loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi có nghi bị ngộ khi ăn nấm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Bs.CKI Trần Tiền – Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: