Gia đình chị Trần Thị Anh (SN 1979, trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Cẩm Xuyên) đã thoát khỏi hộ nghèo nhờ vốn vay chính sách. 2 năm trước, gia đình chị được vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo tại Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên. Có vốn trong tay, gia đình đầu tư chăn nuôi bò nái sinh sản; từ 4 con bò ban đầu nay đã nhân đàn, mỗi năm xuất bán 2 - 4 con me, cho doanh thu gần trăm triệu đồng.
Chị Anh chia sẻ: “Chồng tôi bị bệnh, mất sức lao động hoàn toàn, mình tôi phải bươn chải nuôi 4 con ăn học. Gia cảnh nghèo khó, được ngân hàng CSXH cho vay vốn để đầu tư làm ăn nên tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Mỗi năm chúng tôi có nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi là cơ sở để cho các con ăn học”.
Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên hiện đạt 639 tỷ đồng với hơn 12.000 hộ gia đình vay vốn.
Gia đình chị Trần Thị Anh là một trong hàng ngàn khách hàng của huyện Cẩm Xuyên được tiếp cận vốn CSXH. Nguồn lực từ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình giải quyết việc làm... đã góp phần quan trọng tạo việc làm, gia tăng nguồn thu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội đoàn thể triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng. Việc giải ngân nguồn vốn diễn ra khách quan, đúng đối tượng trên cơ sở hỗ trợ, tư vấn người dân gầy dựng các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất theo tiềm năng, lợi thế từng vùng miền. Theo đó, các ngành nghề được ưu tiên lựa chọn đầu tư như: đánh bắt - nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, chăn nuôi tổng hợp, trồng rừng, thu mua - chế biến nông sản...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đức, đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên đạt 639 tỷ đồng với hơn 12.000 hộ gia đình vay vốn. Trong đó, chủ lực là các chương trình cho vay hộ nghèo (dư nợ 36 tỷ đồng với 754 hộ vay vốn), cho vay hộ cận nghèo (dư nợ 60,3 tỷ với 1.283 hộ vay vốn), cho vay hộ mới thoát nghèo (dư nợ 173 tỷ với 3.570 hộ vay vốn). Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cẩm Xuyên từ 4,39% (cuối năm 2022) xuống còn 2,8% (cuối năm 2023).
Tại huyện Can Lộc, các chương trình tín dụng chính sách cũng được triển khai rộng rãi tới tận từng thôn xóm, tổ dân phố với 284 tổ tiết kiệm và vay vốn. Điều phấn khởi là nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên các hộ nghèo, hộ chính sách được nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, quyết tâm đầu tư các mô hình kinh tế nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Tháng 10/2023, gia đình chị Trần Thị Hạnh - thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc được Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc giải ngân 90 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Có thêm vốn, gia đình mở rộng quy mô trồng keo, tràm, nâng tổng diện tích lên 40 ha.
Gia đình chị Trần Thị Hạnh (xã Sơn Lộc, Can Lộc) vay vốn chính sách để phát triển mô hình trồng keo, tràm.
Chị Hạnh chia sẻ: "Bắt tay trồng keo tràm, nhiều năm trước, chúng tôi đã được ngân hàng CSXH cho vay vốn theo các chương trình tín dụng và nay là chương trình giải quyết việc làm. Nguồn vốn chính sách đã góp phần tiếp sức để gia đình phát triển kinh tế, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm".
Ông Lưu Tùng Dương - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc cho biết: "Phòng giao dịch đã phối hợp thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Tổng dư nợ của phòng giao dịch đến nay đạt trên 600 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt trên 30 tỷ đồng, dư nợ hộ cận nghèo đạt trên 44 tỷ đồng, dư nợ hộ mới thoát nghèo đạt trên 240 tỷ đồng, dư nợ giải quyết việc làm trên 93 tỷ đồng".
Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc giải ngân chương trình giải quyết việc làm cho khách hàng.
Những năm qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực đưa vốn tín dụng ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng đã xây dựng mạng lưới hoạt động đến các thôn xóm, tổ dân phố với hơn 3.068 tổ tiết kiệm và vay vốn, 216 điểm giao dịch xã, công khai hóa các chính sách tín dụng để người vay hiểu và tham gia giám sát.
Bà Bùi Thị Ngọc Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Đơn vị đã tranh thủ sự chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành trên địa bàn và tích cực phối hợp với các hội đoàn thể triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng đó, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hộ gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững. Với 18 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, tổng doanh số cho vay năm 2023 ước đạt 1.898 tỷ đồng, dư nợ ước đạt 6.680 tỷ đồng (tăng 876,4 tỷ so với năm 2022) với trên 108.000 hộ gia đình đang thụ hưởng chính sách. Từ đây, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn, nhất là các khu vực nông thôn”.
Nguồn vốn chính sách xã hội Hà Tĩnh đã góp phần tạo việc làm cho gần 9.000 lao động.
Theo rà soát, nguồn vốn chính sách ở Hà Tĩnh đã góp phần tạo việc làm cho gần 9.000 lao động, xây dựng gần 27.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, xây mới và sửa chữa gần 800 căn nhà, khôi phục và phát triển một số ngành nghề truyền thống của địa phương... Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh từ 3,79% năm 2022 xuống còn 3,04% thời điểm cuối năm 2023.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: