Trang bị hơn 14 triệu bản sách cho các xã, phường, thị trấn

Thứ sáu - 29/12/2023 02:39 86 0
Trang bị hơn 14 triệu bản sách cho các xã, phường, thị trấn
(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 13 thư viện, trung tâm chính trị cấp huyện; 12 đồn biên phòng thuộc BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và 216 xã, phường, thị trấn được tiếp nhận sách theo Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn”.

Chiều 28/12, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Văn Lâm và Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2029 - 2023)”.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến các tỉnh, thành trên cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

1

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xây dựng Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” (gọi tắt là đề án).

Đề án do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các ban, bộ, ngành Trung ương thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành trên cả nước. Sau khi sơ kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, từ năm 2011, đề án được triển khai cho tất cả các cơ sở xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong 15 năm triển khai (2009 - 2023), đề án đã cung cấp 593 đầu sách với hơn 14 triệu bản in về cơ sở. Sách gồm các nội dung chủ yếu như: xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng nông thôn mới; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số...

2

Lãnh đạo các ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Nội dung bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất; được trình bày dưới dạng hỏi - đáp dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, tiện tra cứu, dễ vận dụng phù hợp với đối tượng người đọc là cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã số hóa trên 500 đầu sách của đề án xuất bản từ 2009 - 2022; xây dựng “Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn” (thuviencoso.vn). Ra mắt bạn đọc từ đầu năm 2020, đến nay, thư viện điện tử đã có hơn 729.000 lượt cán bộ, đảng viên và người dân truy cập.

Hằng năm, đề án trang bị cho mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước 7 bộ sách. Đến nay, các đơn vị trên đều đã nhận đủ số sách. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của đề án phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở tương đối chặt chẽ, hiệu quả. Việc nghiên cứu, học tập sách đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều địa phương tổ chức tốt việc luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, làng, bản, thôn, ấp để phục vụ nhu cầu đọc sách của Nhân dân.

Trang bị hơn 14 triệu bản sách cho các xã, phường, thị trấn Đại biểu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị qua màn hình trực tuyến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai đề án còn một số hạn chế như: một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu của đề án; số lượng sách còn ít so với nhu cầu sử dụng; thiếu các đầu sách song ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều địa phương chưa bố trí phòng đọc sách, công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, hiệu quả...

Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án; tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân; từng bước hợp nhất các nguồn sách gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, sử dụng sách; phát huy hiệu quả nguồn sách từ đề án.

Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích những kết quả, hạn chế trong quá trình triển khai đề án; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả sử dụng sách thuộc đề án, ứng dụng thiết thực trong hoạt động của cơ sở tại địa phương mình...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao kết quả trong quá trình triển khai đề án; khẳng định đề án đã góp phần trang bị, cập nhật kiến thức, nâng cao dân trí cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tại cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn cả nước.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu thực hiện tốt đề án, gắn đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục quán triệt tinh thần, mục tiêu của đề án đến tận cơ sở; nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, nắm bắt, định hướng nhu cầu văn hóa của cán bộ, người dân; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, xu thế phát triển của thế giới để vận động, trang bị những đầu sách phù hợp, thu hút người đọc.

Quá trình vận động xã hội hóa nguồn lực cho thiết chế văn hóa tại các địa phương cần được triển khai đồng bộ, trong đó, cân đối kinh phí đầu tư cho các tủ sách, đầu sách; vận động, quyên góp để tăng cường nguồn sách, tiếp tục phát huy hiệu quả đề án.

Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Hà Tĩnh hiện có 13 thư viện, trung tâm chính trị cấp huyện; 12 đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và 216 xã, phường, thị trấn được tiếp nhận sách theo đề án. Mỗi năm, tỉnh tiếp nhận 1 đợt sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật gửi theo đề án gồm đĩa CD-ROM và khoảng 40 đầu sách với nhiều nội dung.

Các địa phương quản lý sách theo nhiều cách thức như: lập tủ sách do cán bộ xã quản lý; phân bổ vào trung tâm học tập cộng đồng, nhà truyền thống xã, thư viện xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; đĩa CD được phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Nhiều địa phương trang bị được hệ thống máy tính kết nối internet hỗ trợ việc tra cứu thông tin của sách; vận động quyên góp sách và kinh phí mua sách.

Việc triển khai đề án đã giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay6,847
  • Tháng hiện tại53,970
  • Tổng lượt truy cập1,261,452
Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Cổng TTĐT Sở LĐTBXH Hà Tĩnh
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Cổng TTĐT Bộ Lao động -TB&XH
Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh
Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Dịch vụ công trực tuyến
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây