Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP Hà Tĩnh xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng nên đã đẩy mạnh truyền thông với hình thức đa dạng, linh hoạt, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững.
Phường Văn Yên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Bà Trịnh Thị Lan – Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội TP Hà Tĩnh cho biết: Thông qua cổng thông tin điện tử thành phố và hệ thống truyền thanh của các phường, xã, thành phố đã tuyên truyền các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, phổ biến những điển hình, mô hình giảm nghèo có hiệu quả đến với người dân. Đồng thời, kết hợp lồng ghép nội dung về chương trình giảm nghèo tại các buổi hội nghị, buổi họp, lớp tập huấn tại xã, phường trên địa bàn và phát tài liệu về hệ thống các chính sách giảm nghèo cho cán bộ ở cơ sở".
Muốn công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thì việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo là hết sức cần thiết. Bởi vậy, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã phối hợp, tổ chức các chương trình tập huấn hướng dẫn triển khai cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giúp cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở nắm vững và hướng dẫn thực thi chính sách, dự án đối với người nghèo tốt hơn. Ngoài ra, thành phố cũng hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo; tổ chức cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở thành phố và cơ sở đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình giảm nghèo tại các tỉnh phía Bắc.
Công tác tập huấn, truyền thông trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Huê – công chức văn hóa xã hội phường Thạch Quý chia sẻ: “Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo là rất quan trọng. Bản thân người cán bộ phải hiểu các chủ trương, chính sách, khi đó mới có thể giải thích rõ ràng và giúp người dân hiểu được vấn đề. Qua các buổi tập huấn, chúng tôi nắm rõ hơn về các dự án chương trình giảm nghèo, góp phần đảm bảo thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đối tượng và đạt hiệu quả bền vững”.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và các nội dung hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các đơn vị đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời và phối hợp tuyên truyền các nội dung, dự án của chương trình, giúp cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố đã xây dựng 15 mô hình sinh kế hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, các tiểu dự án giảm nghèo thông tin và truyền thông giảm nghèo đã được thực hiện có hiệu quả nội dung hoạt động của chương trình.
Mô hình sinh kế đã trở thành điểm tựa để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trịnh Thị Lan - Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội TP Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tích cực thực hiện và chỉ đạo các xã, phường hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tạo thuận lợi để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng đó, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất có hiệu quả cho người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình".
Theo ông Nguyễn Duy Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, đến cuối năm 2023, TP Hà Tĩnh còn 377 hộ nghèo với 943 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 1,22%) và 549 hộ cận nghèo với 1.829 nhân khẩu (tỷ lệ 1,78%).
Thời gian tới, TP Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của các chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân nhằm thay đổi và chuyển biến về nhận thức nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý thức chủ động vươn lên của hộ nghèo thoát nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: