Năm 2009, anh Nguyễn Đình Sao (SN 1985, trú thôn Phúc Sơn, xã Thuần Thiện, Can Lộc) rời quê hương vào Bình Dương lập nghiệp. Tuy nhiên, sau 7 năm gắn bó với vị trí công nhân xưởng bánh kẹo, cuộc sống nơi đất khách quê người vẫn cứ bấp bênh nên anh quyết định trở về quê lập nghiệp.
Cuối năm 2016, sau khi trở về quê, anh Sao rong ruổi khắp các tỉnh miền Bắc để học hỏi các mô hình kinh tế nông nghiệp rồi tình cờ bén duyên với mô hình nuôi lợn rừng. Thời gian này, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương và là ĐVTN năng nổ.
“Mô hình nuôi lợn rừng lúc bấy giờ còn rất mới tại Can Lộc, do đó, tôi phải nghiên cứu kỹ, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi mới tiến hành đầu tư. Nguồn vốn thời điểm đó gần như phải vay mượn ngân hàng và người thân, nghĩ lại mới thấy bản thân mình cũng khá liều...”, anh Sao nhớ lại.
Sau khi đã có bản vẽ thiết kế chuồng và nắm bắt được cách nuôi lợn rừng, năm 2017, anh Nguyễn Đình Sao thế chấp “sổ đỏ” của gia đình để vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng, mượn người thân thêm gần 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng, mua 12 con lợn giống (2 con đực, 10 con cái).
Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa quen cách chọn giống và chăm sóc nên 50% con giống nhập về bị dịch rồi chết dần. Bên cạnh đó, anh Sao còn bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc phải nằm viện trong thời gian dài.
Tưởng chừng những khó khăn dồn dập đổ về khiến anh phải lùi bước, nhưng quyết tâm lập nghiệp, thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương đã khiến anh đứng dậy, tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi đã chọn.
Sau lần va vấp đầu tiên, anh Sao đã đúc rút nhiều kinh nghiệm để tiếp tục phát triển đàn. "Nuôi lợn rừng phải đặc biệt chú ý đến giai đoạn lợn còn nhỏ (từ 5-6 kg), lúc này sức đề kháng của con nuôi còn khá yếu, do đó cần cho ăn phù hợp. Ngoài ra, người nuôi nên sưởi ấm cho lợn vào mùa đông và tiêm phòng đầy đủ để tránh dịch bệnh. Khi lợn rừng đạt từ 7 kg trở lên thì khá dễ nuôi và ít bệnh vặt hơn”, anh Sao chia sẻ.
Đến nay, trang trại của anh Sao có 1.200 m2 phục vụ chăn nuôi khoảng 200 con lợn rừng, 200 m2 để chăn nuôi hơn 1.000 con gà, hơn 100 m2 còn lại dùng để ươm trồng rau màu và tự chủ nguồn thức ăn cho gia súc.
Thức ăn chủ yếu của lợn rừng là cỏ voi được anh Sao trồng ngay trong trang trại, do đó, thịt lợn thơm và sạch hơn các loại lợn sử dụng thức ăn tăng trọng. Ngoài ra, gà cũng được anh chăn thả theo dạng tự nhiên, đảm bảo được độ ngon của thịt.
Mỗi năm, trang trại của anh Sao cung ứng ra thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An khoảng 100 con lợn rừng, cân nặng từ 25 – 30 kg/con (giá 110 – 120 ngàn đồng/kg); gần 1.000 con gà, cân nặng từ 2 kg/con (giá 80 – 90 ngàn đồng/kg). Qua đó, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
"Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn lợn rừng, đồng thời kết hợp với các mô hình kinh tế khác để tìm kiếm cơ hội nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất mà mình đã sinh ra, lớn lên...", anh Nguyễn Đình Sao chia sẻ về những dự định sắp tới.
Bên cạnh tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh Sao còn là người rất năng nổ với các hoạt động đoàn thể. Đặc biệt, sau khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Phúc Sơn vào năm 2022, anh Sao đã thổi "làn gió mới" vào các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền và tích cực huy động sự đóng góp ngày công của đoàn viên thanh niên vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nhờ làm kinh tế giỏi, năng nổ trong hoạt động Đoàn, anh Nguyễn Đình Sao đã được địa phương ghi nhận và trao tặng nhiều giấy khen. Riêng năm 2024, anh Sao được UBND huyện Can Lộc tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2024.
Trang trại của anh Nguyễn Đình Sao là một trong những mô hình kinh tế thanh niên chủ lực trên địa bàn huyện. Đây là mô hình được đầu tư bài bản về kỹ thuật cũng như con giống và đạt giá trị kinh tế cao. Anh Sao cũng là Bí thư Chi đoàn thôn rất năng nổ, là tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên trên địa bàn học hỏi, làm theo.
Anh Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Huyện đoàn Can Lộc.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: