Đến xã Hương Minh, nhắc đến chị Nguyễn Thị Trâm (SN 1984), công chức Văn hoá - Xã hội của địa phương, bà con ai nấy cũng khen ngợi. Đó là nữ cán bộ "miệng nói, tay làm", gương mẫu, tận tụy với công việc. Hơn hết, chị là người có tấm lòng bao dung, dành nhiều sự quan tâm trong công tác chăm lo cho người nghèo.
Chị Trâm cho biết: “Bản thân sinh ra trong gia đình nông dân khó khăn. Thời sinh viên, tôi vừa đi học vừa làm thêm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vậy nên, khi trở thành công chức văn hoá - xã hội của xã từ năm 2011 đến nay, tôi luôn dành nhiều sự yêu thương với người nghèo. Được giúp đỡ họ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Trong một dịp đi cùng chị Trâm xuống thăm các gia đình khó khăn, chúng tôi cảm nhận được rằng, chị đi đến đâu cũng được bà con cảm mến. Hộ nào cũng tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy chị như người thân trong gia đình. Điển hình như hộ bà Phạm Thị Thuận ở thôn Hợp Trùa.
Bà Thuận là hộ nghèo trên địa bàn xã, ốm đau thường xuyên, hiện đang phải nuôi mẹ già bệnh nặng nằm một chỗ. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, chị Trâm đã cùng cán bộ thôn Hợp Trùa đề xuất với các cấp hỗ trợ gia đình mô hình sinh kế chăn nuôi bò (được trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025). Từ nguồn “tiếp sức” này, bà Thuận đã có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Thuận xúc động cho biết: “Nhận tấm lòng vàng của các cấp, tôi biết ơn vô cùng. Trong đó, không thể không kể đến sự kết nối, sẻ chia và đề xuất của chị Trâm - người cán bộ luôn tận tình giúp đỡ tôi. Sau khi được nhận mô hình sinh kế, chị Trâm thường xuyên đến hướng dẫn chăm sóc vật nuôi phát triển. Đến nay, bò đã sinh sản thêm một con, có thể xuất bán vào thời gian tới. Gia đình rất mừng và sẽ cố gắng nhân đàn để cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
In dấu chân trên từng con đường, lối ngõ, tới tận nhà từng hộ nghèo, chị Trâm đã kết nối những tấm lòng nhân ái để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Từ việc nắm rõ hoàn cảnh, nhu cầu hỗ trợ, khả năng vươn lên bằng nội lực của từng gia đình, chị đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ về mô hình kinh tế cho các hộ.
Có hai con bị bệnh nặng, chồng ốm đau thường xuyên nên cuộc sống của gia đình bà Phan Thị Vĩnh (thôn Hợp Lợi, xã Hương Minh) khó khăn đủ bề. Chia sẻ với bà Vĩnh, giữa năm 2023, từ sự đề xuất của thôn, chị Trâm đã rà soát, phối hợp với các cấp đưa bà Vĩnh vào diện được nhận mô hình sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Vĩnh chia sẻ: “Được các cấp hỗ trợ giống bò sinh sản để phát triển kinh tế, gia đình tôi đã vơi bớt khó khăn. Đây là tài sản lớn nên tôi luôn chăm sóc chu đáo, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tuân thủ về phòng ngừa dịch bệnh. Nhìn bò phát triển tốt và sắp cho lứa đầu tiên, tôi rất mừng và cố chăm lo sản xuất, từng bước vươn lên để vơi bớt gánh nặng cho xã hội”.
Chị Nguyễn Thị Trâm cho biết, ngoài bà Thuận, bà Vĩnh, trong năm 2023, toàn xã Hương Minh được hỗ trợ 2 mô hình sinh kế, với 77 hộ dân khó khăn được hưởng thụ. Thông qua các mô hình đã giúp bà con tự chủ về kinh tế và cải thiện cuộc sống. Trong điều kiện nguồn lực địa phương hạn hẹp, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho các gia đình khó khăn đã tiếp thêm động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Minh cho biết: “Chị Nguyễn Thị Trâm là người cán bộ tận tâm trong thực hiện các chủ trương, chính sách cho các đối tượng khó khăn, tích cực trong công tác xã hội. Những nỗ lực của chị Trâm đã giúp công tác giảm nghèo của địa phương có những kết quả đáng kể. Giúp xã giải quyết được một phần quan trọng về củng cố tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã còn 35 hộ nghèo (giảm 5 hộ so với năm 2022); 28 hộ cận nghèo (giảm 15 hộ so với năm 2022)".
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: