Trên tổng diện tích 3 ha, gia đình bà Lê Thị Khuyên (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà) nuôi trồng 2,5 ha tôm và 0,5 ha thử nghiệm mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng. Để chủ động bảo vệ thuỷ sản nuôi trước mùa mưa lũ, những ngày này, gia đình bà Khuyên tập trung gia cố bờ ao, phát quang cây cảnh, khử khuẩn nguồn nước và thu hoạch sớm các ao tôm vụ xuân - hè đạt kích thước thương phẩm.
“Toàn bộ ao tôm của gia đình tôi đều được đặt lưới chắn xung quanh bờ. Bên cạnh đó, nước trong ao được kiểm soát chặt chẽ, khử khuẩn thường xuyên nhằm giảm thiểu khí độc khi mưa xuống” – bà Khuyên cho biết.
Cũng theo bà Khuyên, đối với tôm nuôi, việc tạo môi trường ổn định rất quan trọng, quạt nước cần được duy trì thường xuyên, tránh tôm bị chết vì thiếu oxy. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, vùng nuôi trồng thuộc xã Hộ Độ thường xuyên mất điện, rủi ro rất cao. Dù đã trang bị thêm máy phát điện, tuy nhiên, công suất chỉ đủ đáp ứng 1 phần diện tích nuôi. Do vậy, bà Khuyên tiến hành thu hoạch sớm 1 – 2 ao nhằm đảm bảo có thể kiểm soát được mọi tình huống có thể xảy ra.
Cũng là một trong những hộ nuôi tôm có thâm niên tại vùng Hộ Độ, hơn 20 năm làm nghề nuôi tôm, trải qua nhiều mùa mưa lũ lịch sử, ông Nguyễn Danh Thắng (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà) tự nhận mình không dám "đánh cược" với thiên tai.
Ông Thắng cho biết: “Trận lũ lịch sử năm 2020, nước tràn qua các ao nuôi cá trôi khiến tôi mất trắng hơn 130 triệu đồng. Khi chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm, trên tổng diện tích hơn 3 ha, tôi đã tập trung gia cố, nâng cao bờ ao. Vào thời điểm này, tôi tiến hành khử khuẩn nguồn nước thường xuyên nhằm đề phòng khi mưa xuống, nguồn nước có nhiều khí độc khiến tôm sốc nhiệt. Đối với tôm đạt kích thước thương phẩm, tôi sẽ thu hoạch sớm, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 7 âm lịch và ngừng nuôi vào mùa mưa”.
Theo thống kê của Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, toàn huyện có 85 hộ nuôi tôm với diện tích khoảng 148,35 ha, phân bố chủ yếu tại các xã: Hộ Độ, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thịnh Lộc và thị trấn Lộc Hà.
Năm 2024, do ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết, dịch bệnh, thị trường nên trong 6 tháng đầu năm một số hộ không thả nuôi hoặc giảm diện tích và mật độ. Bên cạnh đó, một số hộ chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cua, cá. Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông báo kịp thời đến người dân nhằm chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ thuỷ sản nuôi mùa mưa lũ.
Tại huyện Cẩm Xuyên, nhiều hộ nuôi tôm cũng đang tất bật thu hoạch tôm nuôi trước mùa mưa lũ. Anh Lê Xuân Huy (thôn Tân Trung Thuỷ, xã Cẩm Lộc) cho biết: “Nhiều năm trước, khi tôm nuôi đạt kích thước thương phẩm nhưng không thu hoạch trước mùa mưa bão dẫn tới thiệt hại lớn. Rút kinh nghiệm, năm nay, gia đình tôi tiến hành thu hoạch trước ao tôm có diện tích 1.500 m2, thu về sản lượng gần 1 tấn, ao còn lại với diện tích 5.000 m2 sẽ thu hoạch sau 2 – 3 tuần nữa”.
Cũng theo ông Huy, hiện nay, giá tôm loại 50 con/kg có giá dao động khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg. Mức giá sẽ còn biến động vì tính thời vụ và thị trường, các yếu tố thời tiết. Để chủ động, gia đình ông Huy quyết định thu hoạch 100% tôm nuôi hết trong tháng 8, sau đó chờ qua mùa mưa bão mới tiếp tục thả nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: "Hiện nay, Chi cục Thuỷ sản đã có công văn chỉ đạo chuyên môn đến các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho người và các vùng nuôi thuỷ sản trước mùa mưa lũ. Các hộ nuôi cần chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, nhiên liệu, bố trí nhân lực và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó. Thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, tiến hành thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; tuyệt đối dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Cùng đó, chính quyền địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền về dự báo thời tiết, diễn biến thuỷ triều, nguồn nước, kết quả quan trắc môi trường… tới người nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con".
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: