Đa số người Việt đều quan niệm phải toàn vẹn thân xác khi đến thế giới bên kia nên việc hiến mô, tạng sau khi qua đời là điều khó chấp nhận. Vì vậy, nhiều người khi có ý định hiến tạng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người thân, gia đình.
Bởi vậy, bất kỳ lúc nào, bắt gặp một thông tin về việc người này, người kia đăng ký hiến mô, tạng cho y học để cứu người sau khi qua đời, tôi đều cảm thấy rưng rưng và ngưỡng mộ. Đó không chỉ là hành động nhân văn, nhân đạo mà thực sự là một hành động dũng cảm và văn minh.
Dũng cảm vượt lên những quan niệm truyền thống trong văn hóa người Việt, dũng cảm vượt lên những sự phản đối của người thân, thậm chí cả những lời dị nghị của xã hội. Và hơn hết, là chính họ đã vượt lên chính mình bằng lối suy nghĩ, tư duy rất mới.
Tôi có quen biết một gia đình vừa cùng nhau đăng ký hiến tạng vào tháng 5/2024. Suy nghĩ và hành động đẹp đẽ này bắt đầu từ người mẹ - chị Lê Thị Hà (SN 1974 - trú tổ dân phố 8, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh). Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là không phải bây giờ chị Hà mới nghĩ đến việc hiến tạng mà cách đây hơn 20 năm, khi ở Hà Tĩnh hầu như còn rất ít người biết đến việc này, chị đã nhen nhóm ý định.
“Ý nguyện là vậy nhưng thời điểm đó, thông tin về việc hiến mô, tạng không phổ biến như hiện nay, hơn nữa, e ngại sự phản đối, lo lắng của chồng con, gia đình và cái nhìn không thiện cảm của cộng đồng nên tôi chưa thực hiện được. Gần đây khi việc hiến mô, tạng cho y học sau khi qua đời được phát động thành phong trào và được nhiều người chấp nhận, tôi mới chia sẻ ý định này với chồng con. Điều khiến tôi vui nhất là cả chồng và con tôi đều không hề phản đối, thậm chí còn theo tôi đăng ký hiến mô, tạng cho y học sau khi qua đời” - chị Hà chia sẻ.
Tháng 5/2024, sau khi tìm hiểu các kênh thông tin, chị Hà và chồng là anh Đỗ Quốc Hưng (SN 1966) đã đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh để đăng ký hiến mô, tạng. Con gái anh chị là cháu Đỗ Hoài An (SN 2000) vì bận công tác ở TP Hà Nội nên gần đây, nhân chuyến về thăm nhà mới đăng ký.
Đáng quý hơn nữa là sau khi hoàn thành hồ sơ thủ tục, trong lúc chờ được cấp thẻ chứng nhận đăng ký hiến mô, tạng, chị Hà đã lan tỏa thông tin, vận động bạn bè, người quen thay đổi nhận thức về phong trào nhân đạo này. Và kết quả là từ tháng 5/2024 đến nay, đã có thêm 4 người bạn của chị tự nguyện viết đơn đăng ký hiến mô, tạng.
Chị Hà chia sẻ: “Tôi rất vui vì còn có những người thân, bạn bè chung suy nghĩ, quan niệm như mình bởi không ít người đã nghĩ rằng, chắc hẳn tôi phải có bệnh tật, biến cố gì đó trong cuộc sống mới quyết định như vậy. Nhưng thực tế là tôi hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí tôi luôn cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống và tập luyện thể thao điều độ để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Tôi mong muốn xã hội hãy có cái nhìn tích cực, không nên quan niệm quá nặng nề về việc hiến tạng vì mục đích nhân đạo”.
Việc làm của chị Hà và những cá nhân đăng ký hiến mô, tạng trong thời gian qua chính là hành động thiết thực hưởng ứng lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức ngày 19/5/2024 tại Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội).
Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi người dân chung tay thực hiện nghĩa cử cao đẹp này để nhằm cứu sống được nhiều người bệnh, phục vụ cho sự phát triển của y học. Điều đặc biệt là đích thân Thủ tướng Chính phủ và nhiều đại biểu đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời cho y học ngay tại lễ phát động.
Việc làm của Thủ tướng đã khiến Nhân dân vô cùng xúc động, nhiều người bày tỏ cảm xúc trân trọng khi nhìn thấy bức ảnh ông nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đó là hành động thiết thực, tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, chỉ một thời gian ngắn sau lễ phát động, trên cả nước đã có hơn 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Điều đó có nghĩa, hàng nghìn cơ hội sống đã được trao đi cho những người bệnh từ nghĩa cử cao đẹp này. Đó không chỉ đơn thuần là một con số mang tính định lượng trong lĩnh vực y tế mà sâu xa hơn, nó là minh chứng rõ nét nhất cho sự thay đổi căn bản về nhận thức, quan niệm của con người về vấn đề hiến tặng mô, tạng.
Từ lễ phát động vào tháng 5/2024 đến nay, tại Hà Tĩnh đã có thêm 12 người làm thủ tục đăng ký hiến mô, tạng tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tạng thông qua kênh Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 6/2023), chị Nguyễn Thị Vương Oanh (SN 1992, trú phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) cũng phải nhận không ít những lời dị nghị từ người quen. Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, chị Oanh luôn kiên định và vững tâm với lựa chọn của mình.
Chị Oanh chia sẻ: “Tôi quan niệm, hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa nhất mà con người có thể gửi tặng lại cho đời nên tôi vẫn rất kiên định với việc làm của mình. Không chỉ đăng ký hiến tạng, tôi sẽ lan tỏa tinh thần này đến bạn bè, người thân để họ cũng thay đổi suy nghĩ và hành động để “cho đi” thật nhẹ nhàng”.
Số lượng người đăng ký hiến tạng qua Hội CTĐ tỉnh còn khiêm tốn so với các địa phương khác trên cả nước nhưng là tín hiệu vui, phản ánh sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân về vấn đề này. Trong thời gian tới, hội chữ thập đỏ các cấp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân có thêm thông tin tích cực về hiến mô, tạng. Cùng với đó, tham mưu các cấp, ngành có sự biểu dương, ghi nhận xứng đáng đối với những người đăng ký hiến mô, tạng để động viên, khích lệ phong trào lan tỏa trong cộng đồng”, bà Trần Thị Hải Việt - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết.
"Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống" - đó là phương châm, ý nguyện từ trái tim của những người tự nguyện hiến mô, tạng. Họ, với trái tim ấm áp, tình người vĩnh cửu, thực sự đã là một biểu tượng đẹp đẽ của lòng nhân ái.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: