Câu chuyện của một khách hàng ở Quảng Ninh có dư nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng phải trả số tiền lên đến hơn 8,8 tỉ đồng tại Eximbank Quảng Ninh (phát sinh từ số tiền vay 8,5 triệu đồng gần 11 năm trước) chắc hẳn sẽ khiến không ít người “giật mình” xem lại những tài khoản ngân hàng mà mình đang sở hữu.
Thẻ tín dụng là thẻ cho phép khách hàng thực hiện giao dịch trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Hiểu một cách đơn giản, đây là loại thẻ giúp khách hàng “mua hàng trước, trả nợ ngân hàng sau”.
Vì tính tiện lợi, “sẵn có tiền tiêu” nhiều người dễ dàng bị ảo tưởng về khả năng tài chính của mình và rơi vào “bẫy tín dụng” mà không hề hay biết. Hãy thử hình dung, có ai đó luôn sẵn sàng cho bạn mượn tiền để mua sắm những thứ bạn cần bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu thì chắc chắn sẽ có những nguyên tắc, những quy định mà bạn phải tuân thủ.
Thẻ tín dụng rất tiện dụng nhưng không phải là thứ mà ai cũng cần và phải có. Nếu không thực sự có nhu cầu rõ ràng, không kiểm soát tốt chi tiêu cá nhân và thường có thói quen mua sắm “bốc đồng” thì tốt nhất, bạn không nên mở loại thẻ này. Nhiều người ví thẻ tín dụng như “con dao hai lưỡi”, không nên chơi dao nếu bạn chưa biết cách nắm đằng chuôi.
Không ít trường hợp, khách hàng thẻ tín dụng đã trở thành con nợ, phải thanh toán một khoản phí không hề nhỏ do thói quen tiêu dùng thiếu thông minh của chính mình.
Bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn từ “bẫy” thẻ tín dụng, người dân cũng rất dễ gặp rắc rối về tài chính, pháp lý khi sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết. “Mở giúp tôi một tài khoản ngân hàng để lấy chỉ tiêu nhé!”, “Chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh thư gửi cho tôi, tôi sẽ tặng bạn một tài khoản ngân hàng số đẹp!”... là những đề nghị mà chúng ta vẫn thường nhận được từ bạn bè, người quen là nhân viên ngân hàng.
Và phần lớn chúng ta vì “cả nể” đã gật đầu đồng ý trong khi không thực sự có nhu cầu sử dụng. Thậm chí, nhiều người còn không để tâm xem nhân viên ngân hàng sẽ làm gì với thông tin cá nhân của mình, tài khoản được thiết lập thời gian nào, mở loại thẻ gì, điều khoản cam kết ra sao...
Hầu hết bạn bè, người thân của tôi khi được hỏi đến vấn đề này cũng nói rằng, mình đang sở hữu ít nhất vài ba tài khoản ngân hàng, nhưng không phải cái nào cũng được sử dụng và càng mù mờ về những quy định, điều khoản cam kết với ngân hàng.
Họ chỉ “tá hỏa” khi vụ việc thẻ tín dụng ở Quảng Ninh xuất hiện và lúc đó mới nhận thức được rằng, sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng một cách “tùy hứng”, thiếu hiểu biết sẽ nguy hại như thế nào.
Trong xu thế chuyển đổi số, thanh toán online đã trở thành thói quen tiêu dùng của người dân và việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng là điều rất cần thiết. Thẻ tín dụng hay bất kỳ loại thẻ nào của ngân hàng đều mang đến cho khách hàng những tiện ích, nó không hề “đáng sợ”.
Nhưng vấn đề là khách hàng phải tự nhận thức nhu cầu của mình là gì và quản lý nó như thế nào. Trở thành người sử dụng dịch vụ ngân hàng thông thái, có trách nhiệm là điều mà mọi người nên hướng đến để quản lý tốt hơn tài chính của mình.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: