Những hội nhóm này ngày càng lan tràn không ít trên Facebook, là môi trường dung dưỡng nguy cơ tội phạm, tiềm ẩn bất an cho xã hội.
Chỉ cần gõ cụm từ "vỡ nợ", "làm liều" lên thanh công cụ tìm kiếm trên Facebook, ngay lập tức nền tảng này trả về hàng trăm kết quả là các nhóm công khai lẫn nhóm kín với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thành viên.
Môi giới rửa tiền, gian lận lô đề, vượt biên làm "việc nhẹ, lương cao", dàn cảnh tống tiền, xách ma túy thuê, buôn vũ khí, bán nội tạng hoặc thậm chí trộm xe, cướp ngân hàng, "đâm thuê, chém mướn"... là những kế hoạch táo tợn được bàn bạc công khai trên mạng cả ngày lẫn đêm của những người trong các hội nhóm vỡ nợ, muốn làm liều.
Thử tham gia vào "Hội Những Người Vỡ Nợ Muốn Làm Lều_Toàn quốc" với hơn 17.000 thành viên. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục bài viết được đăng tải, thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham gia bình luận, tương tác.
Trung bình cứ 10 bài đăng sẽ có 7 bài tìm đồng minh để cùng làm những việc cần... máu liều nhiều hơn máu não.
"Có một đơn giết người 1 tỉ. Anh em ai làm được inbox". Bài đăng từ Facebook M.V. nhận được hàng trăm lượt bình luận. Đáng quan ngại, hầu hết đều thảo luận về số tiền nhận cọc, công cụ thực hiện phi vụ, thậm chí có người tự nhận mình là sát thủ và để lại số điện thoại di động.
Cũng trong nhóm này, Facebook K.B.V.K. đăng nội dung: "Tôi có kèo từ tam giác vàng (khu vực giáp ranh ba nước Myanmar, Thái Lan và Lào) về Việt Nam. 80 bánh/1 tỉ. Tuyển 3 người". Ngay lập tức, có người vào chê: "80 bánh 1 tỉ đồng kiếm người cầm không dễ đâu bạn, tính ra được có 12 triệu đồng/bánh thôi, án thì tử hình 100% nếu thua".
Một Facebook khác ngã giá: "Tổng 2,5 tỉ, lúc nhận hàng giao trước 500 triệu, khi về Việt Nam giao quanh khu vực miền Bắc lấy nốt 2 tỉ!".
Hơn nữa, người này sành sỏi: "Nhập hàng (ma túy - PV) bên này tầm 50 - 70 triệu đồng/bánh là cùng, về Việt Nam đã là 90 - 120 triệu đồng/bánh, đến Hà Nội tầm 130 - 150 triệu đồng/bánh.
Nhận đưa qua biên giới giá đó là quá rẻ rồi, tính ra có 30 triệu đồng/bánh. Trung bình nếu chuyển từ tam giác vàng về Việt Nam phải tầm 50 - 60 triệu đồng/bánh, 80 bánh phải 4 - 5 tỉ cơ!". Những nội dung liều lĩnh, nguy hiểm đến khó tin.
Tiếp tục lân la, đập vào mắt chúng tôi là bài đăng của Facebook N.D.: "Cần 2 - 3 bạn nam, nữ ở Sài Gòn nợ túng quẫn làm cùng em vài vụ lừa kiếm vốn làm lại cuộc đời". Bên dưới phần bình luận có hơn 50 người quan tâm, muốn biết thêm chi tiết.
Bắt chuyện với N.D. qua tin nhắn, ngay lập tức người phụ nữ này không ngần ngại chia sẻ rằng cô ta muốn làm vậy vì đang nợ nần chồng chất và cho biết sau khi đăng bài có nhiều người nhắn tin cho chị rủ đi đánh ghen, dàn cảnh để tống tiền. Dù biết việc đó là phạm pháp nhưng ở đường cùng, chị bất chấp "liều mới ăn nhiều!".
Không thể kể hết, mạng xã hội Facebook còn vô vàn những hoàn cảnh vỡ nợ, ý tưởng làm liều được chia sẻ, bàn bạc công khai trong hàng trăm hội, nhóm, bất chấp các quy định của luật pháp, bất chấp sức khỏe và tính mạng của bản thân mà trên đây chỉ là một vài đơn cử.
"Tôi đọc báo thấy hai kẻ cướp 1 tỉ đồng ở Vĩnh Phúc vừa bị công an bắt khai quen biết nhau qua hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều gì đó trên Facebook, tôi mới lên tìm thử cái nhóm này xem có gì trong đó.
Vừa vào tôi giật mình vì lướt qua toàn những người đường cùng với nhiều ý tưởng kiếm tiền quá táo bạo. Thậm chí có người còn lên chỉ điểm một khu trọ nào đó ở Gò Vấp không đóng cổng buổi tối, xúi các thành viên khác đến trộm vài chiếc xe máy ở đây... khiến tôi vô cùng lo lắng!" - chị Lê Ngọc Kiều (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) kể với vẻ bất an.
Sau đó, chị Kiều đã nhắc nhở ngay những người hàng xóm cùng dãy trọ cảnh giác, cẩn thận bảo quản tài sản của mình.
Tiếp tục tham gia vào một nhóm khác có tên "Hội những người trốn nợ thích làm liều", dù không đăng bài nhưng chúng tôi lại được Facebook có tên Q.Q. chủ động rủ rê qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
Người này cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm app game (ứng dụng chơi game trên thiết bị di động - PV) và app sập (ứng dụng mua sắm như các sàn thương mại điện tử - PV).
Công việc này chỉ cần kiếm khách rồi hướng dẫn khách đăng ký làm nhiệm vụ trên các app của công ty với mức lương học việc là 850 USD/tháng (tương đương 21 triệu đồng), sau tăng lên 1.100 USD/tháng (tương đương 27 - 28 triệu đồng) chưa tính thưởng.
Khi được hỏi công việc này có phải là sẽ được đào tạo để đi lừa đảo khách hàng thực hiện các nhiệm vụ, nạp tiền vào các ứng dụng sau đó hệ thống sẽ cố tình báo lỗi khiến tài khoản của khách hàng bị "treo" nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng hay không, người này cười thản nhiên: "Đúng rồi bạn, nhưng mình đâu có lừa, tại khách hàng không hoàn thành nhiệm vụ nên mất tiền thôi!".
Đặc biệt cũng trong các nhóm này, không ít người kêu gào mất hàng chục, hàng trăm triệu, có khi con số lên đến hàng tỉ đồng vì đã trót dại "làm nhiệm vụ" trên các app game, app mua sắm.
Ngoài ra, cũng không hiếm các trường hợp mách nước nhau cách vay tiền để xoay xở khó khăn trước mắt rồi sau đó lại rủ nhau tìm thủ thuật "bùng" tiền để không phải trả nợ.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Hồ Thanh Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết:
Hành vi sử dụng không gian mạng để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội là hành vi bị nghiêm cấm.
Căn cứ điều 8 Luật An ninh mạng 2018, người có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nếu có. Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan chức năng xét thấy các hành vi trên đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ.
Cũng theo luật sư Thảo, theo điểm d, khoản 1 điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP thì những người lập ra và quản lý (admin) các hội, nhóm trên Facebook có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.
Đồng thời có thể được xem là đồng phạm nếu có hành vi kích động, giúp sức, tư vấn cho các thành viên thực hiện những hành vi phạm tội.
"Trường hợp các admin biết các thành viên đang bàn bạc để đi thực hiện hành vi phạm tội mà không phản đối, ngăn chặn thì có khả năng bị xem xét về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm.
Dựa vào điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Thảo nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học, tội phạm học - Đại học Quốc gia TP.HCM) bày tỏ quan điểm:
"Hành vi của những người trong các nhóm này thường liên quan đến các bế tắc về tiền bạc, những ý tưởng làm liều như vậy được xem là các hành vi sai lệch xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.
Việc hình thành, phát triển các hội nhóm độc hại như vậy đã phản ánh một thực trạng xã hội đáng lo lắng, khi nhiều người túng quẫn và có máu liều được quy tụ lại trong một nhóm, tạo nên một cộng đồng đã có sẵn nhiều ý nghĩ tiêu cực thì sẽ rất dễ bị tác động bởi đám đông, mà trong trường hợp này là dễ bị kích động, dẫn đến việc thực hiện các hành vi phạm tội!".
Cũng theo ông Vỹ: "Ở đây cần có sự quan tâm, xử lý từ phía cơ quan chức năng, bởi tình trạng tụ tập trên mạng như vậy trên thực tế đã hình thành các nhóm tội phạm nguy hiểm, nhiều nguy cơ biến tướng thành các hình thức lừa đảo mới, gây nên nhiều mối lo và bất an trong xã hội!".
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: