Cách đây tròn 76 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo Người, mục đích thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể.
Về nội dung thi đua yêu nước, theo Người, phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người.
Về cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Về phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
Thực hiện lời dạy của Người, nhiều phong trào thi đua đã phát triển rộng khắp, thực sự là động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhiều phong trào đã được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Các phong trào thi đua đã gắn bó mật thiết với quyền và lợi ích của người dân, góp phần vào những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong mỗi giai đoạn, Hà Tĩnh đều triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân.
Hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao trong năm 2024, thời gian qua, mỗi người dân Thạch Hà đều tích cực thi đua triển khai các phần việc xây dựng NTM. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức 21 đợt ra quân, huy động 111.801 lượt người tham gia cải tạo 293 vườn tạp, chỉnh trang 1.659 vườn hộ; trồng mới 7.133 cây bóng mát; xây dựng mới 7,73 km bồn trồng hàng rào xanh; trồng mới 53,862 km hàng rào xanh; xây 5,175 km đường ngõ xóm; xây dựng làm mới 204 cống các loại; rải thảm 3,28 km đường giao thông; nạo vét 485 km kênh mương; xây dựng 1,5 km kênh mương nội đồng… Người dân cũng hiến 2.321 m2 đất và hơn 471m hàng rào mở rộng các tuyến đường.
Ông Phạm Đình Hòa - Trưởng thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) chia sẻ: “Phong trào chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua lớn trong mỗi người dân, là việc làm thường xuyên được bà con hào hứng thực hiện. Từ xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần nâng lên. Chúng tôi quyết tâm sớm xây dựng thôn thành khu dân cư NTM kiểu mẫu trong năm 2024, góp sức xây dựng huyện NTM nâng cao”.
Góp sức vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương, ở huyện Vũ Quang, nhiều hộ dân đã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế vườn hộ, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Dương Quốc Thành (thôn 1, xã Quang Thọ) chia sẻ: “Tận dụng lợi thế vườn đồi, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, vườn cam rộng 1 ha của gia đình đã nâng cao năng suất, chất lượng. Điều đáng vui mừng hơn đó là, mô hình trồng cam hữu cơ của tôi đã được nhiều bà con trong vùng đến tham quan, học hỏi để nhân rộng. Qua đó, giúp nâng tầm thương hiệu cam Vũ Quang trên thị trường”.
Được biết, hiện nay, toàn huyện Vũ Quang đã xây dựng được gần 2.000 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Không chỉ trong mỗi người dân, phong trào thi đua lao động sản xuất được các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trên địa bàn triển khai thiết thực trên các lĩnh vực. Qua đó, khơi dậy sự nỗ lực, cống hiến của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, lực lượng vũ trang, thúc đẩy quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh… Quá trình tổ chức các phong trào, các cấp, ngành, đơn vị đều chú trọng công tác tuyên dương khen thưởng, nhân rộng các điển hình.
Nhờ thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, trên lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao; thương mại - dịch vụ tăng khá. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 8.170 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công tính đến đầu tháng 6/2024 đạt 33,4% kế hoạch. Các dự án trọng điểm trên địa bàn được chỉ đạo quyết liệt và tập trung đẩy nhanh tiến độ. Văn hóa, xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Các hoạt động vì người nghèo triển khai hiệu quả; quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được hơn 18 tỷ đồng, nguồn an sinh xã hội vận động được hơn 25 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 124 nhà ở, trị giá 5,430 tỷ đồng cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ 506 mô hình sinh kế giảm nghèo, trị giá 1,683 tỷ đồng; hỗ trợ 673 lượt khám chữa bệnh, trị giá 383 triệu đồng; 288 thẻ BHYT, trị giá 158 triệu đồng; hỗ trợ học sinh học tập 606 lượt, trị giá 235 triệu đồng... Quỹ cứu trợ các cấp đã trích hơn 14 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở, thăm hỏi người chết do thiên tai, sự cố...
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hoàng Anh Đức khẳng định: "Thời gian qua, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã được các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh triển khai hiệu quả, mang lại kết quả nổi bật như phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Chung sức xây dựng NTM”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"…".
Theo ông Đức, năm 2024, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Trách nhiệm, hiệu quả, thực chất, thi đua đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ”. Để triển khai thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động trong thời gian tới, MTTQ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, lan tỏa sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, thiết thực. Thông qua đó, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng NTM, đô thị văn minh, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: