Chào ông! Xin ông cho biết, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động đến Hà Tĩnh như thế nào?
Hà Tĩnh nằm ở khu vực giao tranh của các hệ thống gió mùa, chuyển tiếp giữa 2 loại hình khí hậu miền Bắc và miền Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt. Thêm vào đó, diện tích hẹp ngang và chạy dài theo đường bờ biển khiến mỗi sự thay đổi trong hệ đại dương và khí quyển càng ảnh hưởng lớn đến thời tiết và khí hậu của Hà Tĩnh.
Trong những năm gần đây, biểu hiện của BĐKH ở tỉnh ta ngày càng rõ nét và dễ nhận biết với các biểu hiện như: nền nhiệt độ tăng dần; các đợt nắng nóng kéo dài, số đợt nắng nóng đạt mức gay gắt và đặc biệt gay gắt nhiều, liên tục.
Ông có thể thông tin về một số đợt thời tiết bất thường trên khu vực Hà Tĩnh?
Tôi và có lẽ rất nhiều người dân Hà Tĩnh chưa thể quên được đợt nắng nóng gay gắt kéo dài 40 ngày trong mùa hè năm 2015 (từ ngày 13/5 - 21/6). Trong đợt nắng nóng này, hầu khắp các khu vực trong tỉnh có nhiệt độ tối đa cao tuyệt đối phổ biến 40,5 - 42 độ C, riêng khu vực Hương Khê 42,1 độ C.
Tiếp đó là đợt nắng nóng bất thường năm 2019, riêng Hương Khê vượt giá trị lịch sử với nhiệt độ cao nhất là 43,4 độ C. Năm 2020, số ngày nắng nóng kéo dài kỷ lục và hầu như không có mưa. Gần đây nhất là đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt xảy ra từ ngày 31/3- 4/4/2024 với mức nhiệt phổ biến từ 39,5-40,5 độ C. Đây là đợt nắng nóng sớm và hiếm gặp so với cùng kỳ các năm trước.
Không chỉ có nắng nóng, việc phân bố lượng mưa trên khu vực Hà Tĩnh cũng có những biến đổi đáng kể. Mặc dù tổng lượng mưa không có biến động nhiều nhưng mưa thường tập trung vào thời đoạn ngắn và trong mùa mưa lũ.
Tháng 10/2020 xuất hiện đợt mưa, lũ gây ngập lụt nghiêm trọng nhất cho TP Hà Tĩnh và các huyện hạ du hồ Kẻ Gỗ. Trong đợt này, mưa tại TP Hà Tĩnh đã lập liên tiếp 4 kỷ lục trong vòng 60 năm: lượng mưa trong 24h lớn nhất (872mm), lượng mưa trong một đợt liên tục lớn nhất (1.100 mm trong 53h25 phút), lượng mưa trong một đợt mưa lớn nhất (1.384 mm), tháng có tổng lượng mưa lớn nhất.
Những bất thường của thời tiết diễn ra không theo quy luật và liên tục lập kỷ lục mới, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm cho công tác dự báo và ứng phó hết sức khó khăn. Những tác động bất lợi từ BĐKH đang ngày càng trở nên rõ nét, nó không chỉ ảnh hưởng đối với con người, hệ sinh thái trong thời điểm hiện tại mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài và ngày càng nghiêm trọng.
Trong năm 2024, Hà Tĩnh có thể có những hình thái khí hậu cực đoan nào, thưa ông?
Theo dự báo của các nhà khoa học khí hậu thế giới, năm 2024, hiệu ứng El-Nino sẽ đạt đỉnh vào tháng 1 và kéo dài đến hết mùa xuân. Hà Tĩnh không nằm ngoài “quỹ đạo” đó, thậm chí, dưới tác động của hiện tượng El-Nino, nắng nóng năm nay sẽ khá gay gắt ở nhiều địa phương.
Cao điểm của mùa nóng năm nay xảy ra vào tháng 5 đến tháng 7, đặc biệt tháng 6 và tháng 7 dự báo sẽ có nhiều ngày nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt. Cũng do tác động của hiện tượng El-Nino nên lượng mưa các tháng mùa hè thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Điều này gây ảnh hưởng lớn đến lượng nước cung cấp cho các hồ đập, nguồn nước phục vụ cho hoạt động SXKD và đời sống của người dân nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng. Đến khoảng tháng 8, trạng thái El-Nino chuyển sang La-Nina, do đó mưa có khả năng nhiều, dự báo lượng mưa của mùa mưa bão năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Ông có thể dự báo Hà Tĩnh ở đâu trên “biểu đồ hạn hán” năm nay?
Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức căng thẳng, dự báo còn khả năng kéo dài, gây thiếu nước nghiêm trọng và thiệt hại lớn. Đối với khu vực Hà Tĩnh, mực nước trên các sông, suối đều đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; mực nước hầu hết các hồ chứa trên địa bàn đang khá cao, đảm bảo nước tưới cho sản xuất và đời sống nên cơ bản chưa xảy ra khô hạn.
Tuy nhiên, mùa hè năm nay, đặc biệt là tháng 5 - 7/2024 khả năng nắng nóng diễn ra gay gắt ở Hà Tĩnh. Điều này sẽ gây thiếu hụt lượng mưa ở các khu vực dẫn đến nguy cơ thiếu nước cục bộ để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các huyện như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Cần lưu ý tại các lưu vực cuối nguồn là nơi nằm trong tình trạng báo động cao về tình hình hạn hán trong những tháng mùa hè.
Trước những nguy cơ đó, ông có khuyến cáo gì để người dân ứng phó hiệu quả?
Trước hết, người dân cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn của cơ quan chức năng; kịp thời nắm bắt để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa, đặc biệt các biện pháp tích trữ nước ngọt; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước, nguồn điện.
Chính quyền các địa phương phải cập nhật tình hình thời tiết; rà soát, hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi phù hợp từng khu vực. Trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ nắng nóng, hạn hán để hướng dẫn, phổ biến các phương pháp tưới tiên tiến cho người dân áp dụng nhằm đảm bảo sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Chính quyền địa phương, các chủ rừng và người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch, phương án được duyệt. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức kiểm tra, rà soát, đôn đốc, nhắc nhở các chủ rừng, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, vào mùa nắng nóng, do tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc nhiều giờ trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, thường xảy ra tình trạng say nắng, say nóng hoặc đột quỵ. Để hạn chế tình trạng này, người dân không nên ra ngoài hoặc làm việc ngoài trời khi nền nhiệt độ cao (trong khoảng từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều); đồng thời, bổ sung đủ lượng nước và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt tăng cường rau xanh, hoa quả...
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: