Những năm gần đây, khán thính giả Hà Tĩnh biết thêm nhiều làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và các loại hình diễn xướng Truyện Kiều từ CLB Dân ca, dân vũ Thành Sen. Đây là CLB trực thuộc Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Hà Tĩnh do bà Võ Thị Kiều Thanh làm Chủ nhiệm với 23 thành viên.
Sau 2 năm thành lập, dưới sự kết nối, hướng dẫn của Chi hội VNDG, CLB đã tập hợp được đông đảo hội viên, cộng tác viên, có nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, chung tay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, phục dựng không gian diễn xướng, lan tỏa câu hát cha ông khắp mọi miền quê trong tỉnh, trong nước (Vũng Tàu, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên) và nước ngoài (Lào, Thái Lan).
Chi hội cũng kết nối với CLB và một số nghệ nhân trong tỉnh tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi từ cấp tỉnh đến khu vực và toàn quốc năm 2023, đều đạt giải xuất sắc và giải A. Tại nhiều sân khấu lớn như Nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Lớn (Hà Nội) hay ở các địa chỉ vùng sâu, vùng xa như Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh), Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Nam Đàn (Nghệ An)… câu ví, giặm cất lên đều xao xuyến, lay động lòng người, khiến bạn bè khắp nơi thêm yêu bản sắc quê hương Hà Tĩnh.
Bà Võ Thị Kiều Thanh - Chủ nhiệm CLB Dân ca, dân vũ Thành Sen cho biết: “Từ sự kết nối, dẫn dắt của Chi hội VNDG Hà Tĩnh, CLB của chúng tôi đã tập hợp được nhiều hội viên say sưa, tâm huyết với dân ca ví, giặm, cùng nhau tập luyện, phục dựng không gian diễn xướng, lan tỏa ví, giặm đi muôn phương, chung tay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Muốn phục dựng được không gian diễn xướng, lan tỏa ví, giặm thì phải có nghệ nhân. Chính vì vậy, chi hội rất chú trọng việc quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho hội viên, nghệ nhân. Những cuộc gặp mặt hội viên nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 hoặc tết Nguyên đán; vinh danh các hội viên, cộng tác viên và nghệ nhân tiêu biểu; tổ chức động viên, thăm hỏi gia đình và các hội viên khó khăn, chúc tết và tặng quà cho các hội viên cao tuổi nhân dịp đầu xuân… có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn với các nghệ nhân và hội viên.
Đặc biệt, chi hội đã phát hiện, bồi dưỡng và làm hồ sơ trình Hội VNDG Việt Nam xét công nhận 20 nghệ nhân dân gian và tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn nghệ dân gian thuộc các lĩnh vực: dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều, diễn xướng chầu văn… Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 70 nghệ nhân dân gian thực hành diễn xướng và truyền dạy dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều, chầu văn…
Bà Trần Thị Xuân Ánh (60 tuổi, tổ dân phố 1, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) không giấu nổi niềm vui vì trước tết Nguyên đán Giáp Thìn, bà đã được nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian. Bà Ánh chia sẻ: “Đây là kết quả của một thời gian dài tôi miệt mài tham gia diễn xướng, bảo tồn di sản dân ca ví, giặm. Được công nhận nghệ nhân là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới nhằm lan tỏa phong trào hát ví, giặm trong Nhân dân”
Với trách nhiệm gìn giữ di sản, Chi hội VNDG Hà Tĩnh đã tham gia điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các loại hình diễn xướng dân gian trên địa bàn Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; ca trù, sắc bùa, trò Kiều, lẩy Kiều, chầu văn, hát ru; dân ca dân tộc Chứt... trên đất Hà Tĩnh. Đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự say mê, tâm huyết, có vốn sống, chịu khó thâm nhập thực tế, đi điền dã, gặp gỡ nhiều nghệ nhân.
Để làm được điều này, chi hội đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, sưu tầm, khảo cứu văn nghệ dân gian cho hội viên, cộng tác viên và lực lượng nghệ nhân dân gian trong toàn tỉnh; phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức một số hội thảo chuyên đề liên quan như: Bảo tồn và phát huy các giá trị của ca trù; ứng dụng đưa các loại hình diễn xướng đặc sắc của Hà Tĩnh vào tour/tuyến du lịch; giải pháp đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào trường học… Chi hội đã cùng với Sở VH-TT&DL xây dựng đề án bảo tồn ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc tế sau khi được vinh danh; đề án “Xây dựng văn hóa và con người Hà Tĩnh trong thời kỳ CNH-HĐH”…
Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng đã chủ trì thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh: “Đề xuất các giải pháp bảo tồn các giá trị của ca trù trong đời sống đương đại”; “Nghiên cứu, ứng dụng các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc ở Hà Tĩnh nhằm phát triển du lịch” và đều đạt loại xuất sắc.
Chi hội cũng phối hợp với Thư viện tỉnh tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra, sưu tầm tư liệu Hán Nôm về Hà Tĩnh); phối hợp với Trường Cao đẳng Nguyễn Du triển khai đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh, nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch”.
Để hoạt động đi vào chiều sâu và lan tỏa phong trào văn hóa, VNDG trong đời sống, chi hội cùng với Đài PT&TH tổ chức chuyên đề “Diễn đàn văn hóa dân gian Hà Tĩnh thời kỳ hội nhập”; tổ chức 6 số chương trình “Dân ca Nghệ Tĩnh” với trên 30 tiết mục; xây dựng và sản xuất 10 đĩa DVD về ví, giặm, trò Kiều, hát thơ Kiều, ca trù, sắc bùa; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí chuyên ngành… Một số cá nhân của chi hội được mời tham gia hội đồng nghệ thuật tại các liên hoan như: Dân ca toàn quốc, Ca trù toàn quốc, Dân ca Nghệ Tĩnh liên tỉnh và toàn tỉnh… Các thành viên trong chi hội còn tham gia tư vấn về việc thờ tự tại Văn miếu Hà Tĩnh.
Vượt qua những khó khăn của một chi hội chuyên ngành địa phương không có kinh phí hoạt động, chủ yếu nhờ kêu gọi xã hội hóa, hội viên hầu hết già yếu, với tâm huyết bảo tồn di sản văn hóa, Chi hội VNDG Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Phát biểu tại lễ tổng kết và trao bằng nghệ nhân của Chi hội VNDG Hà Tĩnh vào tháng 2/2024, PGS-TS Võ Quang Trọng - Phó Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động của Chi hội VNDG Hà Tĩnh. Đồng thời khẳng định: Đây là một trong số ít các chi hội của cả nước có những hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả.
Nói về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng cho biết: “Chi hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh; tổ chức đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn tại Hà Nội nhân dịp 30 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở cửa đón khách trong dịp tháng 5; hoàn thành 3 số truyền dạy “Dân ca Nghệ Tĩnh” trên sóng HTTV; tham gia tích cực sự kiện kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh; tham gia đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Tiên Điền - Kiệt Thạch, Lai Thạch phục vụ phát triển KT-XH; xuất bản 2-3 đầu sách của hội viên như: “Biển xứ Nghệ từ góc nhìn văn hóa dân gian”; “Tri thức dân gian của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh về đánh bắt và chế biến hải sản”, “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh, nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch”.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: