Rộn rã ngày khai hội “Hoan Châu đệ nhất danh lam”
Như thường lệ, nhiều năm nay, mỗi dịp xuân về, vào ngày mồng 6 tháng Giêng, chùa Hương Tích lại bắt đầu khai hội. Gắn liền với ngôi cổ tự được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” xây dựng từ thời nhà Trần ở thế kỷ XIII và huyền tích linh thiêng về nàng công chúa Diệu Thiện đức hạnh cao cả tu hành đắc đạo, lễ hội chùa Hương Tích là ngày hội văn hóa tâm linh được hàng nghìn du khách mong đợi tìm về. Vì vậy, những năm qua, Hà Tĩnh đã chọn đây là ngày mở đầu cho năm du lịch.
Toàn cảnh Lễ khai hội chùa Hương Tích mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lễ hội chùa Hương Tích mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024 diễn ra trong không khí trang trọng nhưng không kém phần sôi nổi, rộn ràng với 2 nội dung chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ khai hội chùa Hương Tích với chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đặc sắc, lễ phát động năm du lịch Hà Tĩnh 2024. Phần hội với nhiều hoạt động gồm các giải đấu thể thao như: giải bóng chuyền nam huyện Can Lộc mở rộng, đấu vật cổ truyền, kéo co, các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, bắt lợn...
Ngay từ sáng sớm ngày mồng 6 tháng Giêng, con đường từ cầu Hạ Vàng (quốc lộ 1) từng dòng người, xe đã ken kín lối đi, đổ về quảng trường Khu du lịch (KDL) chùa Hương Tích trẩy hội. Anh Đậu Bá Quyền Anh (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi nhưng bố mẹ quê Hà Tĩnh. Sau nhiều lần mong chờ, đây là lần đầu tiên tôi được về quê để tham gia lễ hội chùa Hương Tích. Hòa mình vào dòng người nô nức, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng ngoạn cảnh sắc ngôi chùa trong ngày khai hội, tôi cảm thấy vô cùng háo hức, hân hoan và thêm tự hào về văn hóa quê hương mình”.
Chương trình nghệ thuật khai hội chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024.
Lễ khai hội chùa Hương Tích bắt đầu bằng chương trình nghệ thuật vui tươi với nhiều tiết mục ca ngợi danh thắng ngôi cổ tự, quê hương, đất nước... do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn.
Trong không khí náo nức, tiếng trống khai hội mở đầu năm du lịch 2024 do lãnh đạo tỉnh gióng lên đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa vang vọng nơi ngôi cổ tự trên đỉnh thiêng Hồng Lĩnh. Hàng nghìn du khách rộn ràng bước vào phần hội, tham dự những trận đấu bóng chuyền, hòa mình vào các trò chơi dân gian...
Du khách hòa mình vào không gian lễ khai hội chùa Hương Tích.
Nhiều du khách lựa chọn tham gia chuyến hành hương ngược lên đỉnh non thiêng để hòa mình vào non xanh nước biếc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Cổng bán vé tham quan đông nghịt, các dịch vụ như xe điện, nhà thuyền, cáp treo... hoạt động hết công suất. Dù vậy, hầu hết các du khách đều cảm thấy hài lòng khi được phục vụ tận tình, thái độ hòa nhã, ứng xử văn minh của những người làm du lịch, công tác ANTT được đảm bảo.
Chị Trần Thị Thanh Hà (du khách đến từ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Về tham dự lễ khai hội chùa Hương Tích năm nay, chúng tôi cảm thấy tuyệt vời. Khai hội rộn ràng, cảnh quan ngôi chùa khang trang hơn, các dịch vụ như xe điện, đi thuyền, cáp treo... phục vụ chu đáo. Tôi rất ấn tượng với công tác ANTT và cách phục vụ văn minh của những người làm du lịch trong lần trở lại này. Tất cả những điều đó giúp chúng tôi có những giây phút thư thái, cảm nhận được sự linh thiêng của ngôi chùa cổ”.
Nhộn nhịp du khách tham quan chùa Hương Tích trong ngày khai hội.
Hướng tới xây dựng thành điểm đến hút khách, thời gian qua, huyện Can Lộc cùng với Ban Quản lý KDL chùa Hương Tích đã không ngừng đầu tư, tân trang cơ sở hạ tầng, tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ, nhân viên làm du lịch... Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách khi đến với ngôi cổ tự.
Bà Trần Thị Thu Hà - Trưởng ban Quản lý KDL chùa Hương Tích cho biết: “Không ngừng làm mới KDL dựa trên việc bảo tồn những giá trị cổ, chúng tôi luôn hướng tới việc mang đến cho du khách trải nghiệm khám phá những giá trị về văn hóa tâm linh, cảnh sắc của KDL. Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, chúng tôi xây dựng nhiều điểm check-in, tham quan, thực hiện chuyển đổi số trong bán vé điện tử, tăng cường quảng bá kết nối với các đơn vị lữ hành trong nước; phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ phục vụ tại KDL. Chúng tôi hy vọng KDL chùa Hương Tích sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách trong thời gian tới, không chỉ mùa lễ hội mà còn ở những thời điểm khác trong năm”.
Du lịch hứa hẹn nhiều sôi động
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2024, toàn tỉnh đã đón gần 189.000 lượt khách tham quan, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Du khách tham quan tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Và ngay trong ngày diễn ra lễ khai hội, KDL chùa Hương Tích đã chứng kiến sự “bùng nổ” của du khách muôn phương tìm về với danh thắng này. Theo Ban Quản lý KDL chùa Hương Tích, chỉ riêng ngày mồng 6 tháng Giêng, điểm đến này đã đón 6.000 lượt khách tham quan. Như vậy, tính cả kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới nay, chùa Hương Tích đã đón 25.000 lượt khách.
Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Để chuẩn bị cho năm 2024, ngay từ quý IV của năm 2023, chúng tôi đã lên kế hoạch với nhiều chương trình hành động kích cầu du lịch cho năm mới. Cùng với ra văn bản hướng dẫn các địa phương, khu, điểm du lịch chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết cho mùa du lịch văn hóa tâm linh bằng việc tổ chức các lễ hội đầu năm, sở cũng đã khuyến khích các đơn vị tăng cường xây dựng những sản phẩm mới hấp dẫn, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác du lịch. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, chúng tôi tiến hành các đoàn khảo sát famtrip học tập mô hình từ các tỉnh bạn, xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh tại Lào và lên kế hoạch phối hợp tổ chức khai trương du lịch biển năm 2024...”.
Du khách tìm hiểu về du lịch Hà Tĩnh tại gian hàng quảng bá do Sở VH-TT&DL tổ chức tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 (ATF) tại CHDCND Lào cuối tháng 1/2024.
Nhiều địa phương, khu, điểm du lịch đã khởi động các hoạt động du lịch năm 2024 một cách tích cực và chủ động. Ngoài Can Lộc, huyện Hương Sơn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội Hải Thượng Lãn Ông sẽ diễn ra vào ngày 13-15 tháng Giêng sắp tới với nhiều hoạt động sôi nổi và đổi mới so với những năm trước. Ông Trần Anh Nam - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn cho biết: “Với sự đầu tư quy mô cả chiều rộng và chiều sâu, chúng tôi phấn đấu để Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông ngày càng trở thành ngày hội được du khách mọi miền quan tâm. Đặc biệt, từng bước đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch”.
Cùng với lễ hội, năm 2024, tại Hương Sơn cũng sẽ diễn ra sự kiện mang ý nghĩa lớn của tỉnh, đó là kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân dịp ông được UNESCO vinh danh. Huyện Hương Sơn cũng đã lên kế hoạch với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao xuyên suốt từ nay đến cuối năm xung quanh sự kiện này.
Huyện Hương Sơn đã sẵn sàng cho Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra vào ngày 13-15 tháng Giêng.
Huyện Hương Khê hướng tới khai thác các sản phẩm du lịch tại bản Phú Lâm (xã Phú Gia), đồi chè tại xã Hương Trà; huyện Cẩm Xuyên với các hoạt động tại lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn, KDL Thiên Cầm; TX Kỳ Anh sẵn sàng cho lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu... Bên cạnh các cấp chính quyền, nhiều khu, điểm du lịch cũng không ngừng làm mới các sản phẩm.
Trong đó, Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân) năm nay cho ra đời nhiều sản phẩm mới nhằm thu hút du khách như: hóa trang thành nhân vật Truyện Kiều, cho chữ đầu xuân; KDL Phú Minh Gia (xã Cương Gián) sẽ đưa khách sạn mới đạt tiêu chuẩn 4 sao vào phục vụ trong mùa hè này...
Du khách trải nghiệm sản phẩm mới“Hóa thân vào nhân vật Truyện Kiều” tại Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân).
Với nhiều kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cùng với thành công mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024, tin tưởng ngành du lịch tỉnh nhà sẽ có một năm nhiều sôi động và mang lại nhiều kết quả nổi bật.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: