Cũng như 122 hộ dân khác ở thôn Liên Tiến (xã Mai Phụ), gia đình ông Lê Chắt (75 tuổi) rất phấn khởi vì hơn 4 sào đất muối không sản xuất, bỏ hoang hóa hàng chục năm của gia đình đã được đền bù, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Số tiền đền bù gần 200 triệu đồng giúp ông an dưỡng tuổi già và có điều kiện hỗ trợ cho con cháu.
Ông Lê Chắt cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương chuyển đổi đất muối sang nuôi tôm công nghệ cao. Đồng muối hàng chục năm không sản xuất trở nên hoang tàn, lãng phí... nay đã được "thay da đổi thịt" khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại. Bà con chúng tôi cũng đã nhận được một khoản tiền lớn từ nguồn tư liệu sản xuất không sử dụng để cải thiện cuộc sống, phát triển sản xuất ở lĩnh vực khác...”.
Thôn Đông Vĩnh cũng có 3,2 ha đất muối của 125 hộ được thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản công nghệ cao do Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân đầu tư. Chị Lê Thị Chung – Trưởng thôn Đông Vĩnh cho biết: “Bà con có diện tích muối bỏ hoang rất mừng vì vừa có tiền đền bù vừa thấy được những đổi thay mạnh mẽ trên đồng muối quê hương. Nhân dân càng phấn khởi hơn khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, có ý thức cao trong bảo vệ môi trường...”.
Xã Mai Phụ có 37 ha đất làm muối trước đây do diêm dân các thôn Đông Vĩnh, Liên Tiến và Đông Thắng sản xuất. Năm 2022, địa phương đã phối hợp với các phòng, ngành chức năng tổ chức cấp bìa đỏ và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Hồng Anh (10 ha) và Công ty cổ phần thủy sản Long Vân (20 ha) đã xây dựng các mô hình sản xuất và đi vào hoạt động. Đây là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản một cách quy mô, hiện đại, hiệu quả.
Ông Đào Anh Văn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Phụ cho biết: “Đại đa số người dân có đất sản xuất muối đều đồng tình, ủng hộ việc chuyển đổi các ô nại thành ao hồ nuôi tôm công nghệ cao. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ngành chức năng và doanh nghiệp để thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo quyền lợi cho bà con nên người dân rất phấn khởi, đồng thuận”.
Ngay sau khi thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giữa năm 2023, Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân đã bắt tay vào triển khai thực hiện dự án nuôi trồng với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ. Thực hiện giai đoạn 1, doanh nghiệp đã xây dựng 9 ha làm bể lắng lọc nguồn nước cấp, nhà kính rộng 3.500 m2 ươm nuôi 2 giai đoạn đầu, 16 ao nuôi lót bạt ngoài trời nuôi tôm giai đoạn 3, khu vực lắng lọc và xử lý nước thải...
Đầu năm 2024, doanh nghiệp đã bắt đầu xuống giống một số hồ (vừa nuôi vừa thi công dự án) và đến nay đã nuôi thử nghiệm được 2 vụ, cho sản lượng 30 tấn loại 35 – 40 con/kg.
Anh Nguyễn Trung Trực – phụ trách dự án Nuôi trồng thủy sản của Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ triển khai đầu năm 2025. Hiện các ao nuôi đã hoàn thành, tuyển dụng đủ 22 công nhân (17 lao động địa phương), hình thành được các hợp đồng liên kết, phấn đấu 10 ngày nữa sẽ thả khoảng 2 triệu con giống để nuôi đại trà vụ đầu tiên”.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, dự án Nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh cũng đã khẳng định được hiệu quả hoạt động. Theo đó, công ty đã xây dựng được mối liên hệ, hợp tác chặt chẽ với Công ty TNHH Sản xuất giống thuỷ sản Thiên Phú VN và Công ty TNHH Đầu tư giống thuỷ sản CP.BOY Ninh Thuận (đều ở tỉnh Ninh Thuận) cùng một số doanh nghiệp khác để từng bước ổn định, phát triển sản xuất.
Nhờ nuôi công nghệ cao, đầu tư quy mô, quy trình hiện đại nên mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh được đánh giá hiệu quả nhất huyện Lộc Hà và tốp đầu của ngành nuôi trồng toàn tỉnh. Sau 1 năm nuôi trồng, doanh nghiệp đã thu hoạch 6 vụ, cho năng suất đạt 73 tấn/ha/năm (cao hơn 46% so với năng suất nuôi tôm bình quân toàn xã), doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng tỷ đồng. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho 9 lao động với mức thu nhập từ 8 - 20 triệu đồng/tháng.
Với hiệu quả bước đầu, hiện nay, huyện Lộc Hà và xã Mai Phụ đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư 7 ha đất muối còn lại. Qua đó, đưa toàn bộ vùng đất muối của xã Mai Phụ chuyển đổi sang nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất; giúp công tác quản lý nhà nước về tài nguyên tốt hơn.
Việc chuyển đổi đất muối sang nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn là một "mũi tên trúng ba đích" khi cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều có lợi. Đặc biệt, các dự án nuôi trồng được triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả góp phần quan trọng trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo diện mạo mới cho bức tranh sản xuất và đưa xã Mai Phụ đạt chuẩn kiểu mẫu về lĩnh vực sản xuất vào tháng 7/2024
Ông Đào Anh Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Phụ
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: