Sáng 28/6, chị Nguyễn Thị Quỳnh Giang (trú phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) đến Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) để được hướng dẫn đăng ký định danh và xác thực điện tử.
Sau khi triển khai các thủ tục liên quan, chị được giải thích về việc từ ngày 1/7, thẻ căn cước công dân (CCCD) chính thức được đổi tên thành thẻ căn cước. Các thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Chị Giang cũng được đề cập tới quy định chuyển tiếp CCCD. Theo đó, thẻ CCCD được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành (1/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có nhu cầu. Chứng minh nhân dân (CMND) còn hạn sử dụng sau 31/12/2024 chỉ có giá trị sử dụng đến hết 31/12/2024.
Đối với thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024, tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 thì được sử dụng tiếp đến khi hết thời hạn được in trên thẻ, sau khi hết hạn thì làm lại thẻ căn cước. Những trường hợp hết hạn từ ngày 15/1 đến trước ngày 30/6/2024 thì sử dụng đến hết 30/6/2024.
Thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã chủ động, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 191/KH-UBND triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn Hà Tĩnh. Đến thời điểm hiện tại, 100% các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sát, đúng với tình hình thực tiễn.
Công an Hà Tĩnh cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể đến cơ quan, đơn vị; xác định lộ trình và ấn định thời gian dự kiến hoàn thành từng giai đoạn. Ngoài ra, làm tốt nhiệm vụ chủ trì, tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo Luật CCCD năm 2014; chủ động rà soát các văn bản QPPL liên quan đến Luật Căn cước, chủ trì nghiên cứu, góp ý dự thảo 2 nghị định của Chính phủ và 4 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Chủ thể cần tập trung triển khai thu nhận ngay sau thời điểm luật có hiệu lực cũng được lực lượng công an xác định gồm 3 nhóm: (1) Công dân đủ 14 tuổi chưa được cấp CCCD; (2) Công dân đã có CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng hoặc người đã có CCCD còn thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu cấp thẻ căn cước; (3) Công dân dưới 14 tuổi. Công an Hà Tĩnh đã có phương án và nhiệm vụ chuẩn bị cụ thể để triển khai thu nhận hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu.
Công an Hà Tĩnh lấy công tác điều tra cơ bản làm nền tảng, xác định đây là cơ sở, điểm tựa để thực hiện các phương án thu nhận hồ sơ cấp căn cước hiệu quả. Công an xã tổ chức điều tra cơ bản, toàn diện đối với từng địa bàn thôn, xóm được giao phụ trách, có danh sách cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, sẵn sàng triển khai. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp để tiến hành thu nhận tập trung đối với công dân vừa đủ 14 tuổi, công dân từ 6 đến dưới 14; đồng thời, tham mưu, tuyên truyền, vận động với số đối tượng còn lại.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền được tập trung quyết liệt. Đến nay, các phòng trực thuộc Công an tỉnh cùng 13 đơn vị công an cấp huyện đã đăng tải hơn 5.000 lượt; chia sẻ tin, bài viết về Luật Căn cước với gần 300 nghìn lượt người dân quan tâm, nhận được nhiều phản hồi đồng thuận, ủng hộ. Hàng ngày, nội dung các điểm mới của Luật Căn cước được truyền tải đến người dân thông qua hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn.
Thông qua công tác điều tra cơ bản, tổ công tác Đề án 06 cấp xã cũng đã phát huy vai trò tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương và giá trị được thụ hưởng. Phối hợp ngành GD&ĐT các cấp chỉ đạo, tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh về việc thu nhận hồ sơ căn cước tập trung, không để xảy ra phản ứng, ý kiến trái chiều, gây dư luận xấu trong Nhân dân.
Dấu ấn trong quá trình chuẩn bị triển khai Luật Căn cước phải kể đến 2 cuộc thi viết: “Tìm hiểu Luật Căn cước" trong Công an nhân dân; “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam”. Qua đó, tuyên truyền rộng rãi Luật Căn cước đến tận người dân trên địa bàn.
Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXT (Công an Hà Tĩnh) cho biết: "Chúng tôi cũng đã chủ động lập kế hoạch, dự toán từ nguồn kinh phí hợp pháp đảm bảo thực hiện chủ động, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, phối hợp với C06 (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an) cài đặt phần mềm thu nhận căn cước mới đối với các bộ thu nhận hồ sơ cấp căn cước của Phòng PC06 và công an các huyện, thành phố, thị xã; nhận các bộ thiết bị thu nhận đảm bảo các điều kiện để tiến hành thu nhận căn cước đối với các đối tượng.
Quan trọng nhất, chúng tôi đã bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, tác phong làm việc tốt, tận tình, chu đáo làm công tác thu nhận hồ sơ căn cước. Theo đó, bố trí nơi tiếp dân thuận tiện, niêm yết và đăng tải quy trình, thủ tục cấp căn cước tại nơi tiếp dân và trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh, công an cấp huyện đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường công tác tập huấn về Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 25 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác thu nhận, quản lý hồ sơ. Phối hợp với Cục C06 tập huấn cho các cán bộ liên quan; đảm bảo yêu cầu ngay khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành".
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: