Ông Nguyễn Tiến Trúc (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) có tàu cá dài trên 7m, mua lại của một ngư dân khác trong huyện từ 7 năm trước theo hình thức "sang tay", không có giấy tờ liên quan nên đến nay vẫn không thể thực hiện đăng ký.
“Dù đã liên hệ với chủ cũ để tìm lại thông tin, nhưng tàu đóng nhiều năm trước nên qua thời gian, giấy tờ đều thất lạc, không đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký. Thiếu giấy tờ theo quy định, tôi chỉ hoạt động đánh bắt cầm chừng khu vực gần bờ - đi, về trong ngày - chủ yếu câu cá, mực”, ông Trúc cho biết.
Là một trong những địa phương có đông ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển, song hiện nay, huyện Kỳ Anh vẫn còn gần 300 tàu cá “3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép). Điều này đang gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý của các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, những tàu cá này được người dân tự đóng mà không xin chấp thuận của Sở NN&PTNT. Bên cạnh đó, một số chủ tàu mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định (vỏ tàu, máy tàu, nghề khai thác…) nên không được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu. Bên cạnh đó, có một số chủ phương tiện tự ý cải hoán máy móc, thay đổi kích thước thân tàu nên không thể tiến hành đăng kiểm.
Theo rà soát mới nhất của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT), các tàu cá "3 không" chủ yếu thuộc nhóm tàu chiều dài từ 6 đến dưới 12m hoạt động khai thác ven bờ, tập trung tại các xã bãi ngang thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh… Ngư dân sở hữu các tàu cá này thường có thói quen ra vào các bến cá tự phát, không cập cảng cá khiến lực lượng chức năng gặp nhiều trở ngại trong kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định.
Việc tàu cá chưa được cấp đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn ra khơi khai thác hải sản không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại cho ngư dân nếu gặp sự cố trên biển mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, giám sát, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam phải nhanh chóng kiểm soát tình trạng tàu cá “3 không”, nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ thì đây là rào cản lớn trong nỗ lực gỡ bỏ "thẻ vàng".
Trước thực trạng nói trên, nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, ngày 6/5, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT nhằm tạo điều kiện để các tàu cá “3 không” có thể được đăng ký theo quy định.
Ngay sau khi thông tư này có hiệu lực, dưới sự hướng dẫn của Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã thông tin đến các địa phương, yêu cầu thành lập tổ rà soát nhóm tàu “3 không” để lập danh sách theo quy định. Theo kết quả rà soát chính thức, đến nay, toàn tỉnh có 2.156 tàu cá thuộc diện “3 không”.
Trên cơ sở này, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh công bố danh sách 2.156 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho trước ngày Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực (6/5/2024) đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ để được đăng ký theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Bùi Thanh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, việc kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng thực trạng tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký đã tồn tại trong thời gian dài vừa qua để được đăng ký theo quy định của Thông tư 06/224/TT-BNNPTNT, qua đó đưa nhóm tàu này vào diện được quản lý, giám sát theo đúng các quy định về quản lý tàu cá, đồng thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám ngư trường. Đây cũng được xem là cơ hội cuối cùng để chủ tàu cá thực hiện các thủ tục pháp lý vì theo quy định của Thông tư 06, thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tàu cá thuộc diện kể trên chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, những tàu dù có đủ điều kiện cũng sẽ không được xem xét, giải quyết và sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
"Để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, sau khi UBND cấp tỉnh công bố danh sách tàu cá thuộc diện được được đăng ký theo quy định, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ đôn đốc UBND các huyện, thị thông báo rộng rãi, công khai danh sách tàu cá lên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngành sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết gửi các địa phương, tổ chức, cá nhân để triển khai việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định cho các tàu cá "3 không"; có hướng dẫn, giải đáp, trao đổi với ngư dân để đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện", ông Nguyễn Bùi Thanh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin thêm.
Hồ sơ đối với tàu cá đăng ký theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT
- Tờ khai đăng ký tàu cá có xác nhận của UBND cấp xã nơi chủ tàu đăng ký hộ khẩu thường trú theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT.
- Bản sao chụp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên.
- Bản chính thông báo nộp lệ phí trước bạ của tàu.
- Ảnh màu (9cm x 12cm chụp toàn tàu theo hướng 2 bên mạn tàu).
- Giấy tờ mua bán theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ (đối với trường hợp cải hoán, mua bán, tặng cho) (nếu có).
- Bản chính giấy chứng nhận xoá đăng ký đối với trường hợp mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có).
- Các giấy tờ hợp pháp khác (nếu có).
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đối với các tàu cá trong trường hợp này đến hết ngày 31/12/2024.
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: