Không có biên giới nào trong tình yêu! Điều đó luôn đúng và lại càng đúng với chuyện tình của chàng trai khiếm thị người dân tộc Tày với cô gái Hà Tĩnh bị khuyết tật vận động. Từ một duyên phận đẹp đẽ, họ đã trở thành gia đình, cùng nhau xây đắp những ước mơ giản dị, bình thường.
Trong không gian ồn ào, náo nhiệt của những bán mua thường nhật nơi góc chợ TP Hà Tĩnh, rất nhiều người đã lưu tâm hình ảnh đôi vợ chồng tật nguyền, cùng nhau đi bán hàng rong mưu sinh. Dẫu đã quen lắm với đôi vợ chồng ấy, nhiều người vẫn vui vẻ mua hàng cho họ. Có lẽ một phần vì thương mến, còn một phần là cảm phục. Không thương mến, cảm phục sao được khi trên gương mặt người phụ nữ khuyết tật vận động, đi lại khó khăn ấy luôn thường trực ánh mắt tin tưởng, nụ cười rạng rỡ. Không đồng cảm sao được khi đi cùng chị là người chồng khiếm thị với gương mặt nhân hậu, với thái độ nhẫn nại, kiên trì và giọng hát vô cùng ấm áp. Có nhiều khách mua hàng biết rõ họ đến từ đâu, cũng có nhiều người không biết, thế nhưng, sự trìu mến, ấm áp mà họ trao cho đôi vợ chồng ấy là như nhau.
Tôi cũng đã nhiều lần gặp “gánh hàng rong” của anh chị, từng nhiều lần mua hàng cho anh chị bằng tình cảm ấy nhưng hôm nay mới có dịp tìm hiểu "đời tư" của cặp vợ chồng này. Hoá ra, đó là một câu chuyện khá thú vị mà nếu như tôi cứ vô tình lướt qua, không dừng lại tìm hiểu thì sẽ không được trải qua những cảm xúc đặc biệt như thế, không được tiếp nhận năng lượng tích cực toả ra từ câu chuyện ấy.
Chị tên Nguyễn Thị Ánh (SN 1980) là con thứ ba trong một gia đình có 6 người con ở thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc). Không được may mắn như các anh chị em của mình, chị Ánh sinh ra đã phải chịu di chứng chất độc màu da cam từ người bố từng vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam. Từ nhỏ, Ánh đã bị bại liệt, teo chân phải và vẹo cột sống, mọi sinh hoạt của chị trên đôi nạng gỗ rất khó khăn; những việc phức tạp phải có sự giúp đỡ của người khác.
Dù vậy, chị Ánh vẫn luôn là một cô gái ngoan hiền, sống lạc quan yêu đời. Khi lớn lên, chị tập làm mọi việc, phụ cha mẹ việc nhà. Ánh rất đam mê ca hát và là hội viên tích cực của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc, là thành viên của các nhóm cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn Hà Tĩnh.
Đầu năm 2012, trong một lần cùng nhóm cộng đồng người khuyết tật ở Hà Tĩnh tham gia cuộc giao lưu văn nghệ dành cho người khuyết tật các tỉnh, thành tại Thủ đô Hà Nội, chị Ánh gặp anh Vy Văn Vinh (SN 1981 - quê Lạng Sơn). Anh Vinh là con út trong gia đình có 6 anh chị em, do biến chứng của bệnh tật, năm lên 4 tuổi, hai mắt của anh mờ dần rồi không còn nhìn thấy ánh sáng.
Có lẽ trước khi tham gia cuộc giao lưu này, cả hai người đều không ngờ được, mình đã gặp một duyên phận đẹp đẽ của cuộc đời. Định mệnh đã đưa cô gái khuyết tật vận động người Hà Tĩnh đến với chàng trai khiếm thị người dân tộc Tày. Chị bị thu hút bởi giọng hát ấm áp và nụ cười tươi tắn cùng tính cách vui vẻ, hòa nhã của anh. Còn anh, đã rung cảm thật sự với sự nhẹ nhàng, tinh tế của người bạn gái cùng cảnh ngộ. Kể từ đó, anh chị giữ liên lạc và quyết định tìm hiểu, cho nhau cơ hội phát triển mối quan hệ.
Chị Ánh chia sẻ: “Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, người khuyết tật cố gắng sống đã là may mắn rồi, không dám mơ đến việc có được hạnh phúc lứa đôi hay một mái ấm gia đình nhưng khi gặp anh Vinh, suy nghĩ đó đã dần thay đổi. Chúng tôi đồng cảm với nỗi đau, chia sẻ niềm vui, ước mơ và mong muốn được cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình”.
Sau một thời gian tìm hiểu, cuối năm 2012, tình yêu của hai người đơm hoa kết trái khi chị Ánh mang bầu và sinh được một bé trai khỏe mạnh, đáng yêu. Lúc ấy, 2 người vẫn ở 2 quê. Vì thương bạn gái tật nguyền nên anh Vinh đã quyết định về Hà Tĩnh để cùng chị xây dựng cuộc sống gia đình.
Anh Vinh chia sẻ: “Vì là con út, lại tật nguyền từ nhỏ nên bố mẹ, anh chị em rất lo lắng và không đồng ý để tôi vào Hà Tĩnh “ở rể” nhưng bằng tình yêu chân thành dành cho mẹ con Ánh và quyết tâm, nghị lực sống, chúng tôi đã thuyết phục được gia đình”.
Chuyện tình vượt nghịch cảnh, vượt khoảng cách địa lý của anh Vinh, chị Ánh khiến nhiều người thương mến và cảm phục. Năm 2019, một đám cưới giản dị nhưng ấm áp đã diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè đôi bên và các tổ chức đoàn thể, anh chị chính thức trở thành vợ chồng sau nhiều năm gắn bó.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật càng trọn vẹn hơn khi sau một năm kết hôn, chị sinh tiếp bé trai thứ hai khỏe mạnh, bụ bẫm. Nay cháu đầu đã học lớp 4 và may mắn được xét chọn đi học tập, nuôi dưỡng tại Trung tâm Từ thiện và hướng nghiệp Phật Tích ở tỉnh Bắc Ninh (thuộc Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup), còn cháu thứ hai đang học mẫu giáo.
Cha mẹ chị Ánh thuộc diện gia đình khó khăn ở địa phương, ông bà đã già yếu nên cuộc sống hết sức vất vả. Không để mình trở thành gánh nặng cho cha mẹ và xã hội, dù khuyết tật về thể chất nhưng vợ chồng chị Ánh, anh Vinh vẫn cố gắng kiếm kế sinh nhai để nuôi hai đứa con và phụ giúp ông bà.
Anh Vinh được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc tạo điều kiện đi học nghề tẩm quất. Không quản khó khăn, vất vả, sau khi học xong, anh Vinh xin vào làm việc tại các cơ sở tẩm quất của người mù trên địa bàn Hà Tĩnh. Thậm chí, có những thời điểm, anh còn đi làm tận các tỉnh Nghệ An, Yên Bái để kiếm thêm thu nhập, nuôi sống vợ con, gia đình.
Công việc đang thuận lợi thì dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, các cơ sở tẩm quất phải ngừng hoạt động, anh Vinh bị mất việc làm, cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh của vợ chồng anh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc đã kêu gọi nguồn kinh phí hỗ trợ một chiếc xe máy ba bánh. Có phương tiện đi lại, anh chị đã quyết định chuyển hướng sang nghề bán hàng rong kiếm sống.
Nhiều người hẳn cũng đã quen với hình ảnh một người phụ nữ với đôi chân không lành lặn cùng một người đàn ông khiếm thị rong ruổi khắp các chợ dân sinh, các làng quê. “Gánh hàng rong” là chiếc loa nhỏ anh đeo bên mình, là túi hàng tạp hóa chị xách trên tay có đủ từ gói tăm tre, bàn chải đánh răng, gương lược cho đến thanh kẹo cao su, khẩu trang...
Nơi ồn ào phố chợ, tiếng hát của người đàn ông khiếm thị trầm ấm, mang theo những nỗi niềm, những ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Cầm trên tay những món hàng nhỏ, vui vẻ mời chào khách, chị Ánh chia sẻ: “Sau nhiều công việc, tôi thấy, hiện nay việc bán hàng rong là kế sinh nhai phù hợp nhất với vợ chồng tôi. Chúng tôi đi về có nhau, dễ quan tâm, chăm sóc, động viên nhau hơn. Tuy thu nhập không cao nhưng nếu biết chắt chiu, dành dụm, tôi cũng có thể giúp đỡ cha mẹ, lo cho con cái học hành. Điều khiến tôi vui nhất là nó giúp chúng tôi luôn vui vẻ, không rơi vào cảm giác trở thành gánh nặng cho người thân, xã hội. Được gặp nhau và trở thành một gia đình trọn vẹn đã là may mắn, hạnh phúc lớn lao nên vợ chồng tôi luôn động viên nhau nỗ lực vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng, truyền nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh như mình. Chúng tôi chỉ mong, ông trời thương tình, cho chúng tôi khoẻ mạnh, yên ổn cùng nhau rong ruổi kiếm sống”.
Rong ruổi qua các miền quê, các ngôi chợ, chị Ánh, anh Vinh đã trở nên thân quen với bao người. Câu chuyện về cuộc sống và công việc của của anh chị cũng đã truyền cảm hứng sống và lao động cho nhiều người, đặc biệt là trên chính quê hương Can Lộc của chị.
Ông Hồ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Can Lộc cho biết: “Vợ chồng chị Ánh, anh Vinh là những người khuyết tật có ý chí và nghị lực sống đáng khâm phục. Không chỉ có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình, tự kiếm sống, anh chị còn tích cực tham gia các hoạt động của hội, cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn; là tấm gương để các hội viên khác noi theo”.
Số phận đã đưa đẩy hai con người tật nguyền đến với nhau. Bằng tình yêu và nghị lực sống mãnh liệt, họ đã cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Chị trở thành “đôi mắt” của anh, còn anh là “đôi chân” vững chãi của chị; đi đâu đôi vợ chồng cũng có nhau như hình với bóng. Anh chị như hai mảnh ghép bù trừ phần khuyết thiếu trong cuộc đời nhau, cùng nhau viết nên câu chuyện đẹp giữa cuộc sống đời thường.
BÀI, ẢNH: KIỀU MINH
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: