Theo cập nhật từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó, 6/11 cháu không tiêm vắc-xin phòng bệnh, 1 cháu có tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng chưa đủ liều, còn lại là các trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Điển hình như cháu T.Q.K (trú tại huyện Nghi Xuân) mắc bệnh ho gà lúc mới 1 tháng tuổi. Do chưa đủ tháng để tiêm phòng bệnh ho gà nên cháu K. không thể đề kháng lại bệnh, buộc phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Được biết, tại huyện Nghi Xuân, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp mắc ho gà, trong đó có 2 cháu chưa đến tháng tiêm chủng, 1 cháu đã tiêm 2 liều vắc-xin 6 trong 1 (chưa đủ liều).
Bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Nghi Xuân cho biết: “Ngay sau khi ghi nhận thông tin về các trường hợp mắc ho gà, đơn vị đã phối hợp trạm y tế các xã tiến hành giám sát, điều tra xác minh, thu thập thông tin ca bệnh, điều tra dịch tễ tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và hướng dẫn trạm y tế theo dõi tình trạng sức khỏe những người tiếp xúc gần. Đến nay, chưa phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà.
Hiện, trung tâm đang đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi ngờ/mắc ho gà trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc-xin có thành phần ho gà (DPT, DPT-VGB-Hib) cho những trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, ngay khi có vắc-xin cấp về”.
Ngoài huyện Nghi Xuân thì từ đầu năm đến nay, các địa phương như: Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên cũng ghi nhận các trường hợp mắc ho gà.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ trẻ mắc ho gà trên cả nước tăng cao, tại Hà Tĩnh số trẻ mắc cũng tăng so cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân có thể do khoảng trống miễn dịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em trên toàn quốc. Một số trẻ lớn và người lớn không được tiêm các mũi nhắc lại nên có thể mắc bệnh và lây lan cho các trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa. Một số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ mũi khiến tỷ lệ mắc và lây bệnh tăng”.
Theo cảnh báo từ ngành y tế, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh, khi ho, hắt hơi. Khả năng lây của bệnh cao, nhất là đối với trẻ sinh hoạt trong môi trường khép kín như trường học. Bệnh ho gà thường không gây nguy hiểm ở người lớn và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ho gà ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây biến chứng mà còn đe dọa tính mạng của trẻ. Ở trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, chưa tiêm vắc-xin phòng ngừa ho gà thì bệnh có diễn tiến nhanh chóng và nặng hơn.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, có 90% bệnh nhân ho gà ở trẻ em do chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Vì vậy, tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để tạo “lá chắn” miễn dịch giúp trẻ phòng, chống bệnh ho gà.
Nhận định sớm tình hình gia tăng số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh ho gà nên ngành y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc-xin phòng bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi, ho gà... cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Cấp phát kịp thời vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và giám sát, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ. Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vắc-xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh.
Hiện tại, chương trình tiêm chủng mở rộng ở trên địa bàn tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin 5 trong 1 có chứa thành phần ho gà ( bạch hầu - ho gà - uốn ván - VGB – Hib) cho trẻ từ 2 đến 4 tháng và DPT( bạch hầu - ho gà - uốn ván) cho trẻ từ 18 đến 24 tháng. Vắc-xin được cung cấp miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã, phường.
Ngoài việc tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều cho trẻ, cần cách ly trẻ với những người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu ho gà xung quanh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hằng ngày bằng dung dịch vô khuẩn. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà thì phải cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: