Bỏ quy định cấm dạy thêm với học sinh tiểu học
Thông tư 17 về quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay dành một điều nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học; cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó
Dự thảo thông tư vừa công bố đã không còn điều khoản nêu trên. Dù vậy, trong 5 nguyên tắc trong dạy thêm, học thêm, dự thảo chỉ giữ lại một trong 4 trường hợp không dạy thêm ở quy định hiện hành, đó là: "không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày".
Với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định: trước hết tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.
Hiệu trưởng căn cứ đề xuất trên, tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
"Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT", dự thảo nêu.
Nhà trường có trách nhiệm công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, dự thảo mới công bố cũng không cấm dạy thêm với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập như quy định hiện hành, thay vào đó quy định rõ yêu cầu với giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường.
Cụ thể, giáo viên (bao gồm phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu như:
Báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm.
"Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm", dự thảo nêu.
Với hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, dự thảo quy định hiệu trưởng phải báo cáo và được sự đồng ý của trưởng phòng GD-ĐT (đối với cấp THCS), giám đốc sở GD-ĐT (đối với cấp THPT).
Theo dự thảo, mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Dự thảo quy định 5 nguyên tắc với hoạt động dạy thêm học thêm. Thứ nhất, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Thứ hai, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thứ ba, thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Thứ tư, không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thứ năm, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày
Nguồn tin: thanhnien.vn: