Theo một thống kê gần đây của ngành y tế, mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng trên 8.000 người bị bệnh thận. Hiện, cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và hàng chục nghìn người phải chạy thận nhân tạo, trong đó, số lượng bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ở Hà Tĩnh, hiện đang có 420 bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, BVĐK thị xã Kỳ Anh và BVĐK huyện Đức Thọ. Điều đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân bị suy thận có xu hướng trẻ hóa. Tại BVĐK tỉnh, hiện có khoảng 24,5% số bệnh nhân chạy thận dưới 40 tuổi, còn tại BVĐK huyện Đức Thọ là 21% và tại BVĐK thị xã Kỳ Anh là 26%.
L.H.M (SN 2000, trú tại TP Hà Tĩnh) do bị viêm cầu thận từ nhỏ, không được chữa trị kịp thời khiến bệnh chuyển sang thận mãn tính và suy thận, phải chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh. “Mỗi tuần, em phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Vì mất quá nhiều thời gian cho việc chạy thận nên ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống thường ngày cũng như công việc của bản thân và gia đình” – bệnh nhận M. chia sẻ.
Cũng mắc bệnh suy thận khi tuổi còn trẻ, bệnh nhân L.Đ.H (SN 1996, trú tại huyện Thạch Hà) rất hối hận khi vì chủ quan mà mắc bệnh. L.Đ.H vốn bị bệnh đái tháo đường nhưng do phát hiện muộn cộng thêm không tuân thủ các khuyến cáo của bác sỹ nên gây ra biến chứng suy thận. Hiện nay, L.Đ.H phải chạy thận nhân tạo 1 tuần 3 lần.
Đây là 2 trong nhiều trường hợp bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ nhưng phải chạy thận hằng tuần tại các cơ sở y tế Hà Tĩnh do bị suy thận.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thận mãn tính là tình trạng rối loạn chức năng, cấu trúc của thận kéo dài trên 3 tháng. Bệnh thận mãn tính diễn ra trên 5 giai đoạn, trong đó, giai đoạn thứ 5 (suy thận) là phải chạy thận. Triệu chứng của bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng rõ rệt thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của suy thận phải chỉ định lọc máu cấp cứu và chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sỹ Lê Viết Anh – Trưởng khoa Thận – cơ – xương khớp (BVĐK tỉnh) cho biết: "Tình trạng bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến thận ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Khoảng gần 40% các bệnh nhân đến thăm khám, điều trị về thận tại khoa là dưới 40 tuổi.
Nguyên nhân của bệnh thận mãn tính đầu tiên là do những tổn thương cầu thận không được điều trị kịp thời; bị các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout; do ảnh hưởng từ sinh hoạt thiếu khoa học như: ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… làm gia tăng nguy cơ bị thận mãn tính; do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như: thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh; nhiều trường hợp mắc bệnh tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính còn do yếu tố di truyền”.
Được biết, hiện nay, bệnh thận mãn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chủ yếu là làm chậm quá trình phát triển của bệnh, hạn chế bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối. Các phương pháp thay thế được áp dụng hiện nay là: lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận để kéo dài sự sống.
Bệnh thận mãn tính thường tiến triển âm thầm, khó được phát hiện sớm. Chính vì vậy, người dân, nhất là người trẻ không chủ quan bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Khi có các biểu hiện như: mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, khó ngủ, mất tập trung, đau đầu, chóng mặt, sụt cân, rối loạn tiểu tiện, tiểu máu, nước tiểu có bọt… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh. Từ đó có biện pháp dự phòng và điều trị nhằm làm chậm tiến triển của bệnh thận mãn tính. Đồng thời, chủ động khám sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa các bệnh lý về thận cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác.
Bác sỹ Lê Viết Anh - Trưởng khoa Thận - cơ - xương khớp (BVĐK tỉnh)
Nguồn tin: Theo Báo Hà Tĩnh: