Thực hiện Kế hoạch số 144/KH-TTCTXH-CTXH, ngày 03/5/2024 của Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật về việc Truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em; phòng chống tại nạn thương tích, đuối nước cho học sinh cấp Tiểu học năm 2024. Trong thời gian từ ngày 09/5 đến ngày 23/5/2024, Trung tâm đã thực hiện truyền thông cho 18 điểm trường của 03 huyện, bao gồm Trường Tiểu học Cẩm Trung, Cẩm Lạc, Cẩm Hà, Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng của huyện Cẩm Xuyên; Trường Tiểu học Sơn Lộc, Gia Hanh, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc của huyện Can Lộc; Trường Tiểu học Hồng Lộc, Thạch Mỹ, Thụ Lộc, Bình An, Ích Hậu, Tân Lộc của Huyện Lộc Hà với tổng số hơn 6.500 học sinh và 455 giáo viên.

Chương trình văn nghệ chào mừng của các em học sinh Trường Tiểu học
Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên
Trong thời gian qua, các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều. Tính chất các vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm. Có nhiều trường hợp bị chính ông nội/ngoại, bố đẻ xâm hại. Tình hình trẻ em bị xâm hại liên quan đến bạo lực gia đình trong những năm gần đây có xu hướng giảm về số lượng nhưng có nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, hình thức xâm hại chủ yếu là xâm hại về thể xác, tinh thần (đánh đập, đòn roi, mắng mỏ,…). Trên thực tế số vụ xâm hại trẻ em chủ yếu rơi vào các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay bố mẹ ly hôn hoặc gia đình mẹ đơn thân. Xâm hại trẻ em không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em mà còn ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc, bình yên của mỗi gia đình, đến tình hình an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, sự phát triển của đất nước.

Điểm trường Tiểu học Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên
Vì vậy, trong những năm gần đây thực hiện truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em luôn được Trung tâm quan tâm, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và nghiêm túc thực hiện. Mục tiêu nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em; nâng cao nhận thức, trách nhiệm gia đình và nhà trường trong việc trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Điểm trường Tiểu học Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên
Hiện nay, tai nạn thương tích trẻ em đang có xu hướng tăng lên, là vấn đề đáng quan tâm của y tế hiện nay. Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày.

Điểm trường Tiểu học Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà
Điểm trường Tiểu học Tân Lộc, huyện Lộc Hà.
Chương trình truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em; phòng chống tại nạn thương tích, đuối nước cho học sinh cấp Tiểu học năm 2024 được các Trường, Thầy cô và học sinh hưởng ứng rất tích cực. Đây là chương trình thực sự có ý nghĩa, thiết thực với học sinh tiểu học. Thầy trò các trường vui mừng được lắng nghe những chia sẻ bổ ích, sự truyền thụ khéo léo tinh tế của các cán bộ truyền thông. Đặc biệt các em học sinh rất hào hứng với hoạt động đóng vai xử lý tình huống, giao lưu cùng cán bộ truyền thông.

Tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Tiểu học Sơn Lộc
Cũng trong chương trình, Trung tâm đã trao tổng 90 suất quà tại các điểm Trường, mỗi suất trị giá 200.000đ cho trẻ em có hoản cảnh đặc biệt khó khăn: trẻ em thuộc gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật, mồ côi, không nơi nương tựa,… vươn lên trong học tập, rèn luyện, với mong muốn cùng hỗ trợ, chia sẻ, động viên các em và gia đình vượt lên số phận; thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của cộng đồng, khích lệ tinh thần nhân ái và sẻ chia.
Tại các điểm trường, thầy cô các trường mong muốn hàng năm Trung tâm có nhiều chương trình truyền thông với những hình thức, nội dung đa dạng phong phú hơn nữa để tuyên truyền, cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết, cơ bản, giúp học sinh phát triển toàn diện về mặt trí tuệ, xã hội và cảm xúc. Giúp cho các trường có thể tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, nhất là giúp các Em có được kỹ năng, kiến thức phòng tránh để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ hè sắp đến.
Một số hình ảnh truyền thông tại các điểm trường:

Thực hiện: Lê Tuyết - Phòng Công tác xã hội.