Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, trong hai ngày 25, 26/11, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Can Lộc tổ chức triển khai Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội hoạt động về lĩnh vực Bình đẳng giới tại địa bàn huyện.
Đ/c Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện khai mạc chương trình
Tham dự lớp tập huấn có các đồng chí Mai Lê Thuộc - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH, Đào Quang Hưng, Trưởng phòng GDNN - Bình đẳng giới; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện lãnh đạo của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, phòng LĐTB&XH, huyện đoàn Can Lộc và đồng chí Thái Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và cán bộ chuyên môn.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: “Huyện Can Lộc thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp tập trung quan tâm và chú trọng đến công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và đạt được kết quả tích cực”.
Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện đến xã được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ được tập huấn thường xuyên, trình độ được nâng lên. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai kịp thời, với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã làm nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo sự đồng thuận hưởng ứng của người dân”.
Theo chủ đề của Tháng Hành động đã được ban hành ở Kế hoạch số 176/2024-UBND của Uỷ ban nhân dân huyện ban hành ngày 11/11/2024 về “Kế hoạch Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 trên địa bàn huyện Can Lộc” đã nêu rõ “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chính vì vậy chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên Công tác xã hội hoạt động về lĩnh vực Bình đẳng giới được triển khai rộng rãi tới tất cả các xã, thị trấn nhằm phát huy hiệu quả của các hoạt động Bình đẳng giới tại địa phương với 306 đại biểu là chủ tịch Hội phụ nữ các xã, thị trấn; thôn trưởng; tổ trưởng dân phố; chi hội trưởng chi hội phụ nữ các thôn, tổ dân phố của 18 xã, thị trấn trong toàn huyện được Thạc sỹ Lê Thị Bích Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh trực tiếp giới thiệu các chuyên đề liên quan nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng về hoạt động bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó xây dựng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới có chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đám ứng việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại cơ sở.
Thông qua buổi tập huấn giúp các nhân viên, CTV CTXH hoạt động trên lĩnh vực Bình đẳng giới được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, là cơ sở để thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Góp phần giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Các tình huống về Ứng phó và ngăn ngừa Bạo lực gia đình được giảng viên và các đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi
Ngoài các nội dung của chương trình tập huấn, Tổng đài 1800.577.756 là tổng đài kết nối thông tin, trợ giúp đối tượng được triển khai tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật đã được giảng viên giới thiệu đến các đại biểu tham gia. Tổng đài của Trung tâm hoạt động 24/7 tất cả các ngày, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin của người dân về các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như: Nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, người lang thang…Cùng với đó, đường dây nóng này cũng tiếp nhận thông tin các trường hợp có nhu cầu tư vấn về chính sách bảo trợ xã hội, tham vấn tâm lý, các kỹ năng để giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình…Tất cả đối tượng cần tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc cần kết nối đến các dịch vụ hỗ trợ, chỉ cần gọi đường dây nóng này sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình.
Trong năm 2024, Tổng đài đã nhận được 300 cuộc gọi đi và đến, hoạt động trợ giúp, kết nối, chuyển tuyến qua hệ thống Tổng đài là 30 đối tượng (01 người bị bạo lực trên cơ sở giới, 29 người khuyết tật, người cao tuổi và đối tượng khác).

Một số hình ảnh khác của chương trình:

Thực hiện: Ngọc Thúy - Phòng Công tác xã hội.